Văn hóa bản địa phục vụ du lịch sinh thái

Cập nhật ngày: 23/11/2015 13:13:01

Du lịch sinh thái (DLST) là loại hình du lịch phát triển dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa. Cho nên, tài nguyên DLST là một bộ phận quan trọng của tài nguyên du lịch bao gồm các giá trị tự nhiên thể hiện trong một hệ sinh thái cụ thể và các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển không tách rời hệ sinh thái tự nhiên đó.


Khách tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim mùa nước nổi

Khác với khách du lịch thông thường, khách tham quan điểm DLST là những người quan tâm hơn đến các giá trị tự nhiên và giá trị nhân văn ở những khu vực thiên nhiên hoang dã. Đôi khi khách chọn đi tham quan tại các khu DLST trong vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), trong đó có Đồng Tháp vì bị lôi cuốn bởi hai câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ”.

Khách có thể biết hai câu thơ này được nhà thơ Bảo Định Giang sưu tầm từ ca dao dân gian. Tuy nhiên, hướng dẫn viên du lịch cần có đầy đủ thông tin về tự nhiên, các đặc điểm sinh thái, văn hóa cộng đồng địa phương để giới thiệu một cách sinh động, đầy đủ nhất với du khách về những vấn đề mà họ quan tâm. Chẳng hạn theo mạch cảm hứng trên của du khách, hướng dẫn viên lại bắt nhịp với khách và giới thiệu tiếp các loại sen có mặt ở ĐTM (sen hồng, sen trắng...); giải thích vì sao sen lại mọc nhiều ở đây và bắt đầu từ lúc nào?, nó có liên quan gì đến các hiện vật hình sen, hoa văn sen (bằng đá, bằng vàng) trong nền văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cách nay trên dưới 1.500 năm?. Và còn nhiều ví dụ sinh động khác nữa. Song cho đến nay, tại các khu DLST vùng ĐTM dường như chỉ nghiêng về các giá trị tự nhiên, cái sẵn có tại chỗ! Giáo sư Mạc Đường (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại TP.Hồ Chí Minh), trong chuyên đề “Vấn đề sinh thái nhân văn và cư trú ở ĐTM” đã đề xuất chính sách phát triển DLST như sau: “Nếu phá triệt rừng tràm của ĐTM thì không còn cơ sở để bàn về DLST - một ngành du lịch hấp dẫn đối với thế giới hiện nay. ĐTM là địa bàn nổi tiếng của văn hóa khảo cổ về những nhóm di tích của văn hóa Óc Eo được phân bố rộng ở Long An, Đồng Tháp,... ĐTM còn có những di tích lịch sử của căn cứ địa kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những địa điểm khai sinh của chính quyền cách mạng, nơi những danh nhân cách mạng và tri thức lớn toàn Nam bộ qui tụ về, nơi ra đời những bài hát nổi tiếng, nơi xuất phát của Đài phát thanh kháng chiến Nam bộ, nơi có nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, nơi các nhà Đông du Việt Nam từ Hà Nội vào cư trú, nơi Tôn Dật Tiên từ Quảng Châu đến cư ngụ và tiếp xúc với những nhân vật “Đông du” Việt Nam,... ĐTM rất xứng đáng là một địa điểm Quốc gia về du lịch. DLST ở đây là điểm nổi bật cần được đầu tư cho phát triển. Nhưng ở đây vẫn còn nhiều ngôi đình quí, kiến trúc đặc sắc và rất nhiều di tích văn hóa – lịch sử có giá trị cao về mặt lịch sử dân tộc và lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhà nước cần đầu tư cho việc nghiên cứu cấp tốc để xác định toàn bộ những di tích lịch sử - văn hóa nói trên, xác định những khu rừng có thể thực hiện DLST để đưa vào một chương trình khai thác tổng thể vùng ĐTM”.

Đặt ĐTM nói chung và Đồng Tháp nói riêng trong mối quan hệ với TP.Hồ Chí Minh, với đồng bằng sông Cửu Long, với hạ lưu sông Mê Kông, chúng ta mới thấy hết vị thế và giá trị kinh tế của nó về mặt DLST, nhất là khi Asean trở thành một khối vào cuối năm 2015. Chúng ta vui mừng và lạc quan khi thấy các Khu DLST vùng ĐTM - đáng chú ý là ĐTM trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - đã nhận ra điều đó và bắt đầu khởi động. Trong tham luận với tiêu đề “Thực trạng và giải pháp khai thác du lịch trải nghiệm mùa nước nổi gắn với cộng đồng địa phương khu RamSar Tràm Chim”, Ban Quản lý khu DLST Tràm Chim đề ra phương hướng sắp tới của mình bao gồm 5 vấn đề, trong đó có vấn đề thực hiện tốt công tác đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử và tâm lý du khách, kiến thức tổng quan về du lịch, kiến thức bản địa cho lực lượng du lịch Tràm Chim.

Có thể nói, các giá trị tự nhiên thể hiện trong một hệ sinh thái cụ thể và các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển không tách rời nhau, kết hợp một cách hữu cơ như đôi cánh của một con chim để phát tiển DLST bền vững.

Vân Sinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn