TP.CAO LÃNH

Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 31/12/2020 06:04:40

ĐTO - Thời gian qua, công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng gắn với phát triển du lịch đã được TP.Cao Lãnh chú trọng, góp phần thu hút du khách, tạo điểm nhấn riêng cho du lịch thành phố. TP.Cao Lãnh hội tụ đủ điều kiện phát triển loại hình du lịch tâm linh, trải nghiệm từ giá trị di sản, làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố phát triển “ngành công nghiệp không khói” vươn xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.


Cảnh quan Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp tọa lạc tại trung tâm TP.Cao Lãnh. 
Ảnh: Hoàng Trọng

Phát huy giá trị di sản

Hiện nay, TP.Cao Lãnh quản lý nhiều di tích được xếp hạng nổi tiếng như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường, Bia thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, Đền thờ cụ Nguyễn Quang Diêu, Văn Thánh Miếu, Đền thờ Tam Vị Đại Thần... Qua triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch, TP.Cao Lãnh từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm khai thác có hiệu quả phục vụ khách du lịch.


Du khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Trong đó, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại Phường 4 trở thành điểm du lịch trọng điểm, nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp. Nơi này trở thành địa chỉ về nguồn lịch sử bởi Khu di tích là nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng, lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mang nét đẹp vừa hiện đại, vừa đậm chất lịch sử. Khu di tích gồm: khu vực mộ, đền thờ, nhà trưng bày cuộc đời, sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn cây ao cá, không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa, khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí.

Du khách đến TP.Cao Lãnh du lịch, lưu trú có thể thuận tiện di chuyển đến các điểm du lịch khác của tỉnh Đồng Tháp như: Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh); Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông); Khu du lịch văn hóa Phương Nam (huyện Lấp Vò); Khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười); Làng hoa Sa Đéc (TP.Sa Đéc)... Bởi bán kính đến các địa điểm này tương đối gần sẽ giúp du khách có điều kiện tham quan, trải nhiệm được nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp.

Gần đây, Ban quản lý Khu di tích đưa vào phục vụ 8 nhà sàn lưu trú Hòa An xưa được ví như các căn hộ homestay cao cấp (được chuyển đổi một phần công năng từ các kiểu nhà sàn truyền thống của cư dân làng Hòa An xưa). Đến đây du khách sẽ cảm nhận những ngôi nhà sàn bằng gỗ bề thế, vững chắc, thoáng mát ẩn mình dưới bóng mát của những hàng dừa, hàng me xen lẫn những khóm trúc, bờ tre bên cạnh bến nước, xuồng ba lá và mảnh vườn rau, đậu nên thơ sẽ giúp cho du khách được nghỉ ngơi thoải mái, trải nghiệm không gian trong lành thoáng đãng của một góc làng quê Nam bộ.

Một di tích có giá trị tâm linh đối với người dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung là Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại Phường 2. Năm 2019, Mộ và Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Hằng năm, UBND TP.Cao Lãnh tổ chức lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường rất long trọng. Năm 2020, lễ giỗ lần thứ 200 của Ông, Bà được tổ chức với những nét mới trong chương trình lễ được thực hiện hình thức sân khấu hóa giới thiệu và ca ngợi công đức Ông, Bà đối với vùng đất và người Cao Lãnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: hội thi chế biến các món ngon từ xoài, biểu diễn múa lân, đá gà nghệ thuật; các chương trình nghệ thuật hát bộ tuồng cổ, cải lương. Các hoạt động này thu hút đông đảo người dân, du khách khắp mọi nơi đến tham gia và thưởng thức.

Phát huy giá di sản văn hóa tâm linh, lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường hàng năm trở thành lễ hội lớn của tỉnh Đồng Tháp, thu hút đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh đến cúng, dâng lễ vật tưởng nhớ công đức của Ông, Bà; đồng thời tham quan các lễ hội được tổ chức rất chuyên nghiệp, để lại ấn tượng trong lòng du khách thập phương.


Chánh điện Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường

Xây dựng hình ảnh du lịch riêng

Năm 2020, UBND TP.Cao Lãnh tiếp tục tổ chức Không gian Văn hóa Cao Lãnh – Hội An vừa giao lưu văn hóa vừa kích cầu du lịch. Bà Hồ Huệ Thu Hằng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Cao Lãnh cho biết, không gian văn hóa được trang trí nhiều mô hình, tiểu cảnh đẹp mắt về một làng Hòa An bình dị, hiền hòa và một Hội An cổ kính thông qua việc tái hiện những góc nhỏ mộc mạc, rêu phong nhuốm màu thời gian. Các hoạt động tương tác tạo ấn tượng, thu hút du khách như trải nghiệm làng nghề đan mê bồ, lục bình, xắt thuốc rê, viết thư pháp và các trò chơi dân gian đặc sắc như bài chòi, bịt mắt đánh trống, gấp lá dừa, cờ dân gian...

Có thể thấy, giao lưu văn hóa, kết nối, phát triển du lịch từ sự kiện Những ngày Văn hóa Cao Lãnh – Hội An đã chuyển tải những giá trị văn hóa của 2 địa phương, mang đến cho người xem những cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú; trưng bày giới thiệu sản phẩm địa phương, làng nghề truyền thống; những món ẩm thực đặc sắc đã góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh và nét đẹp văn hóa của TP.Cao Lãnh đến bạn bè gần xa. Qua sự kiện đã thu hút khoảng 100.000 lượt người đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm và có những trải nghiệm hấp dẫn về văn hóa.


Du khách thích thú với Không gian Văn hóa Cao Lãnh – Hội An diễn ra tại TP.Cao Lãnh

Cùng với phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa thì TP.Cao Lãnh với định hướng phát triển phát triển du lịch theo hướng gắn với làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng trải nghiệm. Thời gian gần đây, du lịch cộng đồng của TP.Cao Lãnh có bước phát triển, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư mô hình làm du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Đến nay, các hộ dân xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây tham gia làm du lịch cộng động đã đầu tư kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục bảo dưỡng, xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan phục vụ tham quan trải nghiệm vườn cây ăn trái, đầu tư hạng mục trò chơi giải trí; thiết kế tiểu cảnh chụp ảnh lưu niệm, trò chơi cất vó, đi cầu dây; gian hàng giới thiệu các món ăn đặc sản địa phương.

Bà Hồ Huệ Thu Hằng - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Cao Lãnh cho biết: “TP.Cao Lãnh sẽ tiếp tục tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, xếp hạng, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tổ chức sự kiện các lễ hội để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm, khám phá du lịch của du khách khắp nơi. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục xây dựng hình ảnh người Cao Lãnh thân thiện, mến khách, nghĩa tình với mục đích là để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại “thủ phủ” Đất Sen hồng Đồng Tháp”.

Du lịch TP.Cao Lãnh đang “cất cánh”, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, từ đó tạo được bước chuyển biến rõ rệt, định hình được vị thế ngành du lịch của tỉnh nhà trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Du lịch của TP.Cao Lãnh còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen”.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn