Nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật ngày: 01/08/2023 12:53:54

ĐTO - Mất cân đối giới tính khi sinh là khi số trẻ em trai được sinh ra còn sống vượt trên ngưỡng bình thường so với 100 trẻ em gái được sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian xác định, thường là 1 năm tại 1 Quốc gia, 1 vùng hay 1 địa phương. Theo quy ước của các nhà nhân khẩu học trên thế giới, khi tỷ số giới tính khi sinh của 1 Quốc gia, 1 vùng lãnh thổ hay 1 tỉnh vượt trên 107 bé trai/100 bé gái là bước vào nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh.


Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh (Ảnh: Nguyễn Hiếu)

Tỷ số giới tính khi sinh có ý nghĩa quyết định đến tỷ số giới tính chung của dân số và qua đó ảnh hưởng nhiều đến vấn đề kinh tế, văn hóa và an ninh xã hội. Thông thường tỷ số giới tính chung dao động trong khoảng 103 - 107 (có nghĩa là cứ 100 người nữ thì có từ 103 - 107 người nam). Nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống để tuổi thọ trong dân số càng cao thì tỷ số giới tính chung sẽ có xu hướng giảm dần do nữ thường sống lâu hơn nam giới. Ngoài ra, tỷ số giới tính chung của dân số được duy trì mức cân bằng nhằm đảm bảo cho quá trình tái sản xuất dân số, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng mất cân bằng giới tính trong độ tuổi kết hôn, nguồn lao động, trong thực thi chính sách chế độ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Từ các cuộc điều tra xã hội học và các kết quả nghiên cứu ban đầu ở nước ta cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ các nguyên nhân sau: 

Thứ nhất: “Bất bình đẳng giới” hiện vẫn còn tồn tại trong cả ý thức và hành động của một bộ phận dân cư được coi là nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích con trai hơn con gái, mong có con trai để nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già đã tác động mạnh dẫn đến nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai hơn sinh con gái, đặc biệt là những cặp vợ chồng đã có con là gái ở lần sinh trước đó. Sự hiểu biết thiên lệch về giá trị của con trai và con gái, dẫn đến tâm lý muốn có thêm con trai để phòng ngừa các trường hợp rủi ro cũng làm tăng thêm mong muốn sinh được con trai hơn con gái. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sinh con một bề là gái, buộc phải sinh thêm cho được con trai, áp lực từ cha mẹ chồng, đặc biệt khi người phụ nữ đó là con dâu trưởng hay chồng là con độc nhất của gia đình. Nhiều người chồng cũng đứng về phía cha mẹ mình để yêu cầu vợ phải sinh thêm con trai.

Thứ hai: “Chế độ an sinh xã hội” hiện nay ở nước ta còn hạn chế, chưa đảm bảo, đặc biệt là dân số người già không được hưởng lương hưu hay trợ cấp xã hội... dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ lúc về già, còn con gái khi lấy chồng sẽ không sống trong gia đình mình nữa, không thể thường xuyên đỡ đần cho cha mẹ đẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai để có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già.

Thứ ba: “Chưa quản lý và có chế tài xử lý siêu âm xác định giới tính thai nhi”. Cùng với sự phát triển ngày càng tốt hơn của hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ hành nghề y, dược trong và ngoài công lập có kiến thức kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao. Sự phát triển này một mặt tạo điều kiện cho cung cấp dịch vụ chất lượng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao, mặt khác làm tăng tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật siêu âm sẵn có, dễ tiếp cận hiện nay chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ là điều kiện thuận lợi cho những người cung cấp dịch vụ siêu âm thông báo cho các bà mẹ biết giới tính thai nhi trai hay gái. Khi biết kết quả siêu âm là con gái cộng với việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay, nhiều cặp vợ chồng đi đến quyết định nạo phá thai. Điều này trực tiếp gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.


Tuyên truyền về dân số và phát triển cho công nhân viên chức lao động tỉnh (Ảnh: Nguyễn Hiếu)

Tại Điều 40, khoản 7, mục b của Luật Bình đẳng giới đã quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trên thực tế, hầu hết những bà mẹ mang thai đến khám và siêu âm đều được người cung cấp dịch vụ siêu âm cho biết giới tính thai nhi dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Nguyên nhân của sự vi phạm này là do hiện nay công tác quản lý nhà nước chưa thể  kiểm soát được tình trạng siêu âm để xác định giới tính thai nhi, sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, việc nạo phá thai dễ dàng và phổ biến hiện nay, kết hợp với mong muốn con trai thì có thể đưa tình trạng loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính thai nhi là nữ.

Nhận thức của người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về pháp luật liên quan tới việc lựa chọn giới tính khi sinh và hậu quả do mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra còn rất hạn chế do chưa tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới mất cân bằng giới tính trong dân số ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Lê Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn