Chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Cập nhật ngày: 07/04/2015 04:27:19

Số người mắc dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu đang có chiều hướng tăng cao tại nhiều địa phương, nhất là ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, thời tiết cả nước bắt đầu vào mùa nắng nóng gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, cũng như tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để làm rõ hơn về diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.


PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

- Phóng viên: Ông có thể cho biết thời tiết nắng nóng ảnh hưởng như thế nào tới tình hình dịch bệnh trên người?

>>  PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Giai đoạn tháng 4, tháng 5 khi bắt đầu chuyển mùa sang hè, thời tiết nóng nực hơn là điều kiện khiến nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh. Mùa nắng nóng dịch bệnh trên người thường có những diễn biến phức tạp với một số dịch bệnh nguy hiểm và bệnh mới nổi có nguy cơ bùng phát và lan rộng như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), viêm não virus, bệnh dại, thủy đậu. Hơn nữa, vào mùa hè, các dịch bệnh về đường tiêu hóa bùng phát do điều kiện do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Cùng với đó, việc giao lưu đi lại của người dân giữa các vùng trong cả nước và các nước trong khu vực, trên thế giới tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập và lây lan dịch bệnh trên người.

- Được biết, từ đầu năm tới nay, một số dịch bệnh đã gia tăng số người mắc và tử vong khiến nhiều người lo lắng. Ông có thể cho biết cụ thể và đánh giá về sự bất thường này?

Qua hệ thống giám sát dịch bệnh trong 3 tháng đầu năm 2015 cho thấy diễn biến của các dịch bệnh truyền nhiễm trên người không có sự bất thường, các dịch bệnh như: tả, thương hàn, viêm não virus, viêm màng não mô cầu... đều không ghi nhận có bệnh nhân mắc, hoặc nếu có thì giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có bệnh SXH và TCM có số người mắc ở mức cao. Trong đó chỉ riêng trong tháng 3, cả nước ghi nhận 1.575 trường hợp mắc SXH với 3 trường hợp tử vong, trong đó TPHCM có 2 ca và Đồng Nai 1 ca. Như vậy trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước đã khoảng 7.000 trường hợp mắc tại SXH 39 tỉnh, thành phố và 6 trường hợp tử vong đều ở khu vực phía Nam. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2014, số người mắc SXH tăng tới 27,4%, tử vong tăng 4 trường hợp. Mặc dù chưa vào giai đoạn cao điểm của dịch SXH nhưng số người mắc dịch bệnh này tăng cao là vì năm 2014 bệnh SXH giảm mạnh trong 10 năm gần đây, nhưng đối với dịch bệnh SXH có một chu kỳ là năm tăng năm giảm nên 2014 khi số mắc SXH giảm rồi thì năm nay có nguy cơ tăng cao.

Đối với dịch bệnh TCM, tích lũy từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước ghi nhận trên 7.332 trường hợp mắc, với 2 ca tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang. Cần phải lưu ý, TCM là dịch bệnh lưu hành quanh năm và liên quan nhiều đến hành vi vệ sinh của từng cá nhân, cũng như chưa có vaccine phòng chống nên rất khó khống chế. Bên cạnh đó, khi thời tiết bắt đầu vào mùa hè cần phải rất cảnh giác với thủy đậu và viêm màng não là những dịch bệnh do virus gây ra, dễ lây lan nhanh.

- Để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm trên, Bộ Y tế có khuyến cáo gì cho cộng đồng?

Bộ Y tế đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó chủ động giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời phát hiện ca bệnh đầu tiên để tiến hành điều tra, khoanh vùng và xử lý ngay không để dịch lan ra diện rộng. Tiếp tục giám sát trọng điểm dịch bệnh như TCM, SXH, cúm... để xác định sự lưu hành của virus, sự biến đổi gen. Chỉ đạo các địa phương ghi nhận số mắc SXH tăng cao tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống chủ động, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, truyền thông giáo dục về các biện pháp phòng chống bệnh dịch, tập trung vào các dịch bệnh như cúm A, SXH, TCM, sởi, rubella, thủy đậu và viêm màng não. 

Đối với cộng đồng, để phòng chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện triệt để các biện pháp sau: thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, luyện tập nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, trường học, nơi làm việc. Đặc biệt trẻ em cần phải được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

- Tuy nhiên, hiện nay việc khan hiếm vaccine dịch vụ vẫn đang rất nóng bỏng. Điều này có ảnh hưởng gì tới phòng chống dịch bệnh?

Thực tế số lượng trẻ được tiêm chủng vaccine dịch vụ chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ so với trẻ được tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Qua thống kê việc tiêm chủng 2 loại vaccine dịch vụ Infanrix Hexa và Pentaxim tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ chỉ bằng 8% so với vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Hơn nữa, vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được triển khai ở tất cả các xã phường trong toàn quốc với số lượng sử dụng hàng năm khoảng 35-40 triệu liều vaccine để tiêm cho hơn 1,6 triệu trẻ em. Nhờ có vaccine tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm khác. Do đó, người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ 11 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để đảm bảo được phòng bệnh chủ động và kịp thời.

- Xin cảm ơn ông!

MINH KHANG (SGGPO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn