Khởi sắc từ các chương trình khuyến công địa phương

Cập nhật ngày: 14/02/2014 06:30:40

Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp (KC&TVPTCN) đã nỗ lực tổ chức thực hiện được nhiều hoạt động thiết thực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh.


Từ chính sách khuyến công, các doanh nghiệp đổi mới sản xuất

Trong năm qua, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 6 lớp đào tạo nghề cho hơn 200 lao động. Các lớp đào tạo lao động gắn với hỗ trợ cơ sở vật chất, cung ứng nguyên liệu để người lao động sau đào tạo có nghề, được nâng cao tay nghề và có việc làm ổn định tại chỗ. Sau khóa học, tất cả những lao động có nhu cầu đều được tạo việc làm ổn định, với thu nhập trung bình từ 30.000 - 60.000 đồng/ngày và thời gian làm việc mỗi ngày 6-8 tiếng.

Một hoạt động khuyến công tiêu biểu khác trong năm 2013 là Trung tâm đã tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới. Trung tâm hỗ trợ 9 dự án cho 9 đơn vị với tổng kinh phí gần 280 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Trong đó việc hỗ trợ trực tiếp vào đầu tư đổi mới máy móc thiết bị đã đem lại kết quả nổi bật, khích lệ các đơn vị mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn, góp phần cải thiện sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn hơn cho công nhân vận hành máy móc thiết bị. Đây là một trong những công tác khuyến công có hiệu quả kinh tế, đem lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, cho người lao động và cho xã hội.

Cơ sở cơ khí Hải Sơn - thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông là một trong những cơ sở được hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc theo chương trình khuyến công năm 2013. Theo đó, cơ sở được hỗ trợ gần 20 triệu đồng để đầu tư mua máy hàn CO2, máy cắt plasma, máy khí nén. Công nghệ máy mới đã mang đến những sản phẩm đồng đều, tiết kiệm điện, thời gian sản xuất, đảm bảo chất lượng. Ông Lê Vĩnh Phương - chủ cơ sở cơ khí Hải Sơn cho biết: “Nguồn kinh phí hỗ trợ đã góp phần tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Máy móc hiện đại giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mang đến giá thành cạnh tranh cho sản phẩm so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến công trong năm vẫn còn hạn chế, khó khăn. Những khó khăn này có nguyên nhân từ khách quan và cả chủ quan, trong đó bao gồm sự bất cập của các cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công cơ sở còn ít về số lượng và chưa qua đào tạo tập huấn.

Trên thực tế, hiệu quả của chương trình khuyến công được thể hiện bằng việc duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng như tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực nông thôn. Các hoạt động đào tạo, truyền nghề theo chương trình khuyến công cho lao động khu vực nông thôn càng cần thiết. Tuy nhiên để các nghề tiểu thủ công nghiệp mới có thể phát triển bền vững thì doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng như ngành chức năng cần có sự quan tâm hơn với học viên tham gia các khóa đào tạo nghề. Những tờ giấy chứng nhận đã qua đào tạo nghề theo chương trình khuyến công chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi nó mang lại việc làm và thu nhập thỏa đáng cho người lao động.

Ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khuyến công, trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức; tổ chức các hoạt động khuyến công có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp lựa chọn hướng đầu tư phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà theo hướng công nghiệp và hiện đại.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn