Nguy cơ mắc tật khúc xạ ở tuổi học đường

Cập nhật ngày: 11/09/2013 05:39:49

Tật khúc xạ (TKX) bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị. Những học sinh (HS) mắc TKX sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt. Thống kê của ngành y tế tỉnh, hiện trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (TPCL) có khoảng 13% trẻ độ tuổi đến trường mắc các TKX về mắt.


Học sinh ngồi học không đúng cách dễ mắc tật khúc xạ

Hiện nay, hầu hết các điểm trường trên địa bàn tỉnh đều tăng cường tuyên truyền trong HS ý thức phòng ngừa TKX. Thầy Đoàn Hữu Sang - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng, TPCL cho biết, để phòng ngừa HS của trường mắc TKX, các phòng học của trường đều trang bị ánh sáng đầy đủ, bàn học tập đúng quy định; suốt 2 năm học 2009 - 2010 và 2011 - 2012, nhà trường phối hợp Bệnh viện Thái Hòa tại Đồng Tháp khám mắt và tuyên truyền TKX cho các em HS.

Ngoài ra, trong những lần sinh hoạt chào cờ hoặc trong quá trình dạy lớp, giáo viên của trường thường nhắc nhở các em cách phòng ngừa, thế nhưng vẫn còn một số HS chủ quan nên mắc phải. Cũng có những HS bị mắc TKX từ nhỏ nhưng không thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ nên bị mắc TKX ngày càng nhiều hơn. Em Phạm T.A. (13 tuổi), học lớp 8A10, Trường THCS Kim Hồng bị cận thị 0,5 độ năm học lớp 3, đến nay tăng lên 3 độ. Phạm T.A. cho biết, bác sĩ khám nói em bị cận thị do xem tivi, ngồi máy vi tính với thời gian lâu.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thúy Hà - Khoa Mắt, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp cho biết, có 2 nhóm nguyên nhân chính gây TKX là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem ti vi, sử dụng vi tính không hợp lý,...

Biểu hiện chủ yếu của TKX là nhìn mờ, trẻ thường nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt, chóng mặt, buồn nôn, trong lớp học HS không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, viết chữ không thẳng hàng, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập, kết quả học tập giảm sút.

Để có một đôi mắt sáng đẹp và phòng tránh TKX cho mắt ở lứa tuổi học đường, bác sĩ khuyên các em HS cần thực hiện các biện pháp như: không thức quá khuya để đọc sách, nhất là những em có thị lực kém; hạn chế thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính,... và phải ngủ đủ giấc từ 8 - 10 tiếng/ngày; không đọc sách truyện có chữ hoặc hình ảnh lem nhem, chữ quá nhỏ và trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, khi quỳ.

Kích cỡ bàn ghế phải phù hợp với từng lứa tuổi, nơi học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Khi học ở nhà, nên nghỉ giải lao 5 - 10 phút sau mỗi giờ học và phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và xa.

Ngồi học phải giữ đúng tư thế ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại với 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Luôn để mắt xa sách vở với một khoảng cách thích hợp: khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái (hoặc ngón trỏ cong lại) đến cùi chỏ ở HS cấp THCS là 25cm.

Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc cần đưa trẻ đi khám mắt sớm hơn tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ, hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt, che một mắt để nhìn, cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn học khi đọc hoặc viết, chớp hay dụi mắt một cách không bình thường. Chú ý bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ cho mắt như: nên ăn nhiều rau quả có màu vàng, lá xanh đậm để bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt luôn hoạt động tốt.

Phát hiện sớm TKX là việc làm cần thiết để góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng học tập cho các em tuổi học đường.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn