Văn hóa đổ thừa

Cập nhật ngày: 24/01/2018 15:29:35

ĐTO - Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tạm khép lại. Những người có liên quan đã bị tuyên án với mức độ sai phạm.

Phiên tòa được thực hiện công khai, minh bạch, đúng qui định pháp luật. Quyền hạn và trách nhiệm các bên liên quan, từ cơ quan tố tụng đến bị cáo, luật sư, người có quyền lợi và trách nhiệm được tôn trọng, phát huy.

Trong quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, điều dễ nhận thấy là, để bảo vệ mình, các bị cáo đã nêu ra những nguyên nhân khách quan dẫn đến sai phạm, như do chủ trương, chỉ đạo từ cấp cao nhất, do áp lực phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, do cấp trên chỉ đạo, do cấp dưới làm sai.

Nôm na, là đổ thừa.

Và không phải đến khi vụ án này được đưa ra xét xử mới có chuyện đổ thừa. Bởi đổ thừa gần như đã trở thành thói quen trong hành xử của những người sai phạm đạo đức hoặc pháp luật, hoặc cả hai, khi bị phát hiện. Trong đó, chuyện đổ thừa do cơ chế, quy định; do cấp trên, cấp dưới gần như trở thành “qui trình” được những quan chức bị phát hiện và xử lý sai phạm vận dụng rất nhuần nhuyễn và linh hoạt.

Trước đó, khi nhận quyền và thực thi quyền lực, những quan chức này cũng đổ thừa: do năng lực, trình độ, vận số của mình.

Thế mới thấy, đổ thừa đã trở thành một thứ văn hóa trong ứng xử, một thứ văn hóa xấu xí cần phải được loại trừ, càng sớm càng tốt, trước hết là với những người có chức, có quyền.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn