Tri ân và tôn vinh các Mẹ Việt Nam Anh hùng - đạo lý ngàn đời của dân tộc

Cập nhật ngày: 18/05/2015 13:38:38

Việc phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH)” là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.151 MVNAH, trong đó có 108 Mẹ còn sống. Việc tri ân, tôn vinh những người cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta.


Lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tháp Mười đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Rớt ở xã Mỹ Quý vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015

Mẹ Việt Nam luôn là biểu tượng cao quý của sự dịu dàng, tấm lòng nhân hậu, bao dung, đức tính kiên trung. Hình ảnh người Mẹ đã đi vào trang sách, đi vào lời ru câu hát, những vần thơ thắm đượm tình người. Mẹ Việt Nam một đời lam lũ, tảo tần, chắt chiu nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, Mẹ là điểm tựa, là niềm tin vững bền, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non, lộc biếc lớn lên, thành những người con ưu tú của đất nước.

Khi đất nước lâm vào đêm trường nô lệ, nước mất nhà tan, rất nhiều người Mẹ đã trở thành người chiến sĩ âm thầm lập nên những chiến công, rất nhiều người Mẹ đã không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, bơi xuồng đưa chiến sĩ qua sông. Biết bao người Mẹ đã bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, kiên gan đối mặt với quân thù. Biết bao người Mẹ tiễn chồng, tiễn con ra trận và mòn mỏi đợi chờ, đau khổ đến mức không còn nước mắt để mà khóc nữa, khi những người thân yêu nhất, núm ruột của mình mãi mãi ra đi, không trở lại.

MVNAH Nguyễn Thị Dễ (sinh năm 1929), ngụ ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng ngự bộc bạch: “Nghe tin thằng Dũng hy sinh (liệt sĩ Phạm Văn Dũng), Mẹ lên tận chiến trường ở TP.Hồ Chí Minh để tìm xác con nhưng không gặp, có lẽ nó đã trúng bom, cũng không biết chính xác nó hy sinh ngày nào. Buồn nhất là con hy sinh mà không tìm được mộ. Bây giờ, lễ giỗ của thằng Dũng và Xương (liệt sĩ Phạm Văn Xương) được tổ chức cùng một ngày (21/4 hàng năm) theo ngày hy sinh của thằng Xương”. Riêng bản thân mẹ Nguyễn Thị Dễ cũng đã tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Nhắc đến 2 liệt sĩ, lòng Mẹ lại quặn đau, nước mắt Mẹ lại rơi. Hiện tại, các con của Mẹ đều trưởng thành và những năm tháng cuối đời, Mẹ có cuộc sống an vui bởi con cháu hiếu thảo và được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là chính quyền địa phương.

Hay MVNAH Nguyễn Thị Hai (sinh năm 1925) ở ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò có chồng và 1 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhắc chuyện quá khứ, ký ức đau buồn nhưng vẻ vang lại ùa về trong Mẹ. Hình ảnh những ngày con nhập ngũ vẫn thấp thoáng đâu đây. Có lúc Mẹ nhớ, có lúc lại quên. Năm 1966, con trai thứ 3 Trần Văn Muôn (sinh năm 1950) đã tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, anh mới 16 tuổi. Thương con còn nhỏ tuổi, nhưng mẹ hiểu rằng chí trai đã quyết lên đường, Mẹ cũng không cản bước con.


Ông Lê Minh An - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò thường xuyên ghé thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hai

Nhiều năm liền kể từ ngày anh Muôn ra đi, Mẹ không có tin tức gì về anh. Nỗi đau cũ chưa nguôi ngoai thì năm 1972 hung tin lại đến với Mẹ khi có người cho hay anh Muôn đã hy sinh. Mẹ như “chết đứng” vì quá đau khổ nhưng không dám “hó hé” vì sợ địch chú ý. Chưa tìm thấy xác anh nên Mẹ cứ nghĩ con còn sống, bị giam cầm ở một nhà tù nào đó. Đến sau ngày giải phóng, nhờ Má Sáu (nuôi chứa cán bộ cách mạng) ở huyện Châu Thành mới biết anh Muôn hy sinh năm 1969 (ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành) trong một lần tải đạn qua sông. Chính Má Sáu đã chôn cất anh ngay gốc một cây gáo để làm dấu sau này. Tìm được xác con, Mẹ cũng được an ủi phần nào.

Với đức tính anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và lòng yêu nước nồng nàn, Mẹ không kể nhọc nhằn, ngày đêm âm thầm đóng góp công sức cho cách mạng, kể cả phải chấp nhận nỗi đau hy sinh những người thân yêu nhất với mong muốn góp phần sớm giải phóng đất nước. Mẹ Nguyễn Thị Hai vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà MVNAH. Đây là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với Mẹ. Đó là sự nghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những công lao, đóng góp của Mẹ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Đảm đang, tảo tần, lam lũ nuôi chồng, nuôi con, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân mình cũng trở thành những chiến sĩ mưu trí, ngoan cường, đọ sức với xe tăng, đại bác, lưỡi lê, rào gai, “mưu ma chước quỷ” của giặc,... là những đức tính cao đẹp, trong sáng, tiêu biểu nhất của các MVNAH vô cùng thương yêu, quý trọng của chúng ta - những người có công sinh thành, dưỡng dục, nuôi lớn và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, không đòi hỏi gì hết cho riêng mình, chỉ có mong muốn bình dị tột cùng là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với Nhân dân.

Chiến tranh luôn gây mất mát, đau thương. Mất mát lớn nhất là mất mát về con người; đau thương lớn nhất là nỗi đau của người Mẹ mất con, người vợ mất chồng. Cuộc kháng chiến đã lùi xa, nhưng Mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, buồn nỗi buồn khôn cạn, sống với kỷ niệm không phai, hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhất. Các Mẹ đều hiểu được cái giá của độc lập - tự do nên luôn tự động viên mình trước những mất mát, hy sinh, trước những nỗi đau trải dài suốt cuộc trường chinh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các MVNAH, Mẹ liệt sĩ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta. Cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn của các Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Thời gian qua, ngoài các chế độ theo quy định, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhiều sáng kiến trong thực hiện đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng MVNAH, Mẹ liệt sĩ thông qua việc thăm hỏi, khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền hàng tháng đến suốt đời. Từ đó, các MVNAH đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của các hộ dân trên địa bàn, đều đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Chính các hoạt động này mà công tác chính trị tư tưởng của cấp ủy và đoàn thể ở cơ sở có nội dung sâu sắc, thuyết phục, sống động; càng gần Mẹ, hiểu Mẹ, càng học được từ Mẹ những điều rất cao đẹp mà giản dị trong thực hiện lý tưởng cách mạng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, càng thấy phải làm nhiều hơn để phụng dưỡng Mẹ.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn