Sẽ xử lý nghiêm việc không thực hiện đúng quy định quản lý biên chế công chức

Cập nhật ngày: 28/05/2017 06:41:08


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp Đoàn giám sát và lãnh đạo các bộ, ngành

Thực hiện chương trình công tác, ngày 27/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (BMHCNN) giai đoạn 2011-2016 tổ chức phiên họp thứ hai.

Tham dự phiên họp có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên của Đoàn giám sát, các chuyên gia và đại diện một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ban Tổ chức cho biết, mục đích của phiên họp lần này để nghe Chính phủ báo cáo và giải trình, để các thành viên, các chuyên gia của Đoàn giám sát nêu ý kiến nhận xét về nội dung Báo cáo và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thuộc Chính phủ về các vấn đề có liên quan.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Từ sau phiên họp toàn thể lần thứ nhất vào tháng 11-2016 đến nay, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức BMHCNN giai đoạn 2011-2016 đã triển khai rất nhiều hoạt động theo đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra. Đoàn đã làm việc trực tiếp với 15 bộ, ngành ở trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về lĩnh vực này. Ở các tỉnh, thành phố mà Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội không trực tiếp đến làm việc, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng đã tiến hành giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát của Quốc hội.


Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến

Qua tiếp nhận, bước đầu nghiên cứu và tổng hợp các báo cáo, tài liệu, Đoàn giám sát nhận thấy Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội đã rất nghiêm túc, công phu trong việc chuẩn bị báo cáo để gửi Đoàn giám sát. Phần lớn các báo cáo đều bám sát đề cương, đầy đủ số liệu, đáp ứng được yêu cầu mà Đoàn giám sát đã đề ra.

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia của Đoàn giám sát, các đại biểu nêu ý kiến nhận xét về nội dung Báo cáo và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thuộc Chính phủ về các vấn đề có liên quan đến nội dung Báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu tham dự phiên họp nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, tích cực phát biểu ý kiến; các đồng chí đại diện Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cung cấp thêm thông tin, giải trình đầy đủ, thấu đáo những vấn đề đặt ra để phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách BMHCNN thời gian qua, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và kiện toàn tổ chức BMHCNN; qua đó góp phần giúp Đoàn giám sát của Quốc hội hình thành báo cáo kết quả giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.

Trao đổi, thảo luận và phát biểu tại phiên họp, thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia của Đoàn giám sát và các đại biểu đã nêu ý kiến nhận xét về nội dung Báo cáo và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan thuộc Chính phủ. Các nội dung tập trung đánh giá quá trình thực hiện cải cách BMHCNN giai đoạn 2011-2016, trong đó có sự so sánh với kết quả thực hiện cải cách BMHCNN những giai đoạn trước đó.

Các đại biểu cũng đánh giá về kết quả rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của BMHCNN (cả ở trung ương và địa phương), trong đó tập trung vào một số nội dung như: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; sự phù hợp cơ cấu tổ chức của các cơ quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; vấn đề phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn...

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đã nêu lên các vấn đề liên quan biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước, trong đó tập trung vào việc quản lý, sử dụng biên chế; tỷ lệ số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo (từ cấp phó trưởng phòng trở lên) so với số lượng công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2011- 2016.

Các nội dung liên quan: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành cải cách BMHCNN; việc đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thực hiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước... cũng đã được các đại biểu, chuyên gia nêu và đặt câu hỏi cho đại diện Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành trả lời, làm rõ.

Một số đại biểu, chuyên gia đồng tình với kiến nghị của Chính phủ, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chỉ đạo, kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng các quy định về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nhất là các bộ, ngành, địa phương sử dụng vượt số biên chế được cơ quan thẩm quyền giao và không báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, cơ bản đánh giá cao những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức BMHCNN giai đoạn 2011-2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Chu Lưu cho rằng, các số liệu, kiến nghị, giải pháp của Chính phủ cần được phải được hoàn thiện thêm, trong đó, ba kiến nghị mà Chính phủ đã nêu chưa thật sự tương xứng với Báo cáo và với yêu cầu cải cách tổ chức BMHCNN.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đưa ra các giải pháp cụ thể với hai cấp độ ở tầm trước mắt và tầm lâu dài cho các khóa tới; có những đề xuất để Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đề ra những giải pháp mạnh mẽ, có tính chất đột phá trong thời gian tới. Đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân hoàn thiện lại Báo cáo của Chính phủ và gửi lại cho Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội; đề nghị Đoàn giám sát tích cực, chủ động để tổ chức các hội nghị, tọa đàm sâu hơn về các nội dung giám sát, chuẩn bị các Báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

* Đoàn giám sát nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức BMHCNN thời gian qua vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, trong đó nổi lên một số vấn đề như: tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế,...

Theo Văn Chúc (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn