Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Cập nhật ngày: 27/07/2015 05:07:24

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống, đạo lý được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó mãi mãi được lưu giữ và phát huy trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta trong thời đại mới.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, biết bao người con yêu dấu đã ngã xuống hoặc để lại một phần máu xương nơi chiến trường ác liệt. Tổ quốc, nhân dân ngàn đời nhớ ơn, ghi tạc công lao anh hùng, liệt sĩ, đó vừa là sự tri ân, vừa là tình cảm của mỗi người dân khi nhớ về những người đã hy sinh anh dũng, đã đóng góp máu xương cho đất nước được độc lập, tự do, cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Ở Đồng Tháp, những năm qua, bằng trách nhiệm và đạo lý thiêng liêng ấy, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo có hiệu quả hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với nước. Đến nay, toàn tỉnh có 1.151 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 116 Mẹ còn sống đang được chăm lo, phụng dưỡng... Nhân dân trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ, quan tâm chăm sóc các đối tượng chính sách; xây dựng hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, tặng hàng ngàn sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, trao hàng ngàn suất học bổng cho con em các đối tượng chính sách; chi trả trợ cấp đều đặn cho hàng vạn đối tượng người có công; xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ... là những minh chứng sinh động trong việc xã hội hóa các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Những việc làm thiết thực và nghĩa tình đó góp phần cho các đối tượng chính sách và người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đó chính là những nghĩa cử tri ân, là nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những người có công với nước, góp phần làm giảm mất mát, đau thương, ổn định cuộc sống cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; động viên họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp. Tất cả những hoạt động đó chính là tình cảm, là đạo lý, là trách nhiệm, góp phần làm thức dậy trong lòng chúng ta niềm biết ơn sâu nặng, làm tăng thêm niềm tự hào về quê hương, đất nước, hướng tới xây dựng một quê hương, xứ sở Đồng Tháp nghĩa tình, “tinh khiết như hồn sen”.

Chúng ta đang sống trong điều kiện đất nước hòa bình. Điều có ý nghĩa thiết thực nhất là mỗi người cần tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước để truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn