Nhớ và làm theo Bác về báo chí cách mạng

Cập nhật ngày: 19/06/2016 16:55:41

ĐTO - Về vai trò của ngòi bút, chí sĩ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu dặn: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”; Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam (ảnh tư liệu)

Sau khi thành lập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí (tháng 6/1925), Nguyễn Ái Quốc cho ra đời báo “Thanh niên” vào ngày 21/6/1925.

Báo "Thanh niên" không chỉ là cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí mà còn là tờ báo cách mạng đầu tiên nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Trước khi sáng lập báo “Thanh niên”, Nguyễn Ái Quốc đã là nhà báo khi vừa là chủ bút, biên tập, phát hành báo “Người cùng khổ” (Le Paria) tại Pháp vào ngày 01/4/1922.

Suốt cuộc đời, Người đã viết hơn 2.000 bài báo, với rất nhiều bút danh. Theo phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Linh, phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: “Những bài viết của Người vừa mang tính dân tộc sâu sắc, vừa giàu tính hiện đại, nhân văn; vừa gần gũi tinh thần chiến đấu; cách viết ngắn gọn, văn phong giản dị, khoáng đạt; có giá trị lý luận và thực tiễn cao; có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc”.

Không chỉ làm báo, viết báo, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những dặn dò, nhắc nhở sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của báo chí và người làm báo cách mạng.

Theo Bác, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, góp phần nâng cao dân trí nhằm hướng tới phát triển toàn diện con người; xây dựng một nền báo chí cách mạng mang tính nhân dân nhằm định hướng dư luận và sự tiến bộ xã hội. Việc trau dồi tư tưởng, bản lĩnh chính trị và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, là chuẩn mực đạo đức cơ bản của người làm báo. Vì vậy mỗi chữ viết “phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Để làm được điều đó, “tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc”; “phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”, “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực”. Trong cách viết, phải luôn dùng những lời lẽ thiết thực, gần gũi, dễ hiểu, nói có sách, mách có chứng

Bác cũng chỉ ra khuyết điểm của người làm báo do “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”, “đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Để khắc phục, người làm báo cần không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, sâu sát quần chúng; tránh việc ngồi bàn giấy đọc báo cáo viết bài.

Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí và tuyệt đại đa số người làm báo chí cách mạng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước, quê hương.

Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, các chú bác làm tuyên huấn Đồng Tháp hàng ngày, hàng giờ đối mặt với gian khổ, hy sinh, ra tuyến đầu để kịp thời đưa tin thắng trận, tuyên truyền chủ trương của đảng, làm công tác binh địch vận, kêu gọi quần chúng đấu tranh... góp phần vào thế trận ba mũi giáp công. Các chú bác và những tư liệu còn gìn giữ trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh là minh chứng vô cùng quí giá về một thời hào hùng trong lịch sử địa phương ta, như bút ký "Khi lòng người đã quyết" về làm cản tre ngăn tàu giặc ở Phong Mỹ, những tấm ảnh đen trắng chùa cổ Bửu Lâm bị bắn phá... của chú Nguyễn Đắc Hiền (10 Long).

Kế thừa và phát huy lịch sử, truyền thống hào hùng của Đồng Tháp, bản lĩnh, ý chí, đạo đức của chú bác đi trước, báo chí tỉnh nhà đã và đang là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, tập trung các chủ trương, nhiệm vụ giải pháp của tỉnh như đề án Tái cơ cấu nông nghiệp và gần đây là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Phóng viên báo đài lăn xả để kịp thời đưa tin, bài; lãnh đạo địa phương dù bận việc vẫn thường xuyên có bài viết. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền, trong đó có báo chí, đa số người dân Đồng Tháp đã tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như liên kết đầu vào, đầu ra, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả sản xuất; chuyển suy nghĩ từ “tài sản là đất đai” sang “tài sản là kiến thức”, góp phần nâng cao hình ảnh của Đồng Tháp từ địa phương “cuối nguồn, khuất nẻo” do vị trí địa lý trở thành một trong những môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một vài cấp ủy chưa quan tâm đúng mức việc mua và đọc báo Đảng - kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có phóng viên do năng lực hạn chế, không nắm vững chủ trương, chính sách, chưa sát thực tế..., hoặc vì lợi ích cá nhân “bẻ cong ngòi bút” làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân vào báo chí cách mạng.

Thực hiện lời dạy của Bác:“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng là dịp để những người làm báo nhớ và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác về báo chí; sử dụng các phương tiện tác nghiệp hiện đại như bàn phím, máy ảnh, máy ghi âm làm “vũ khí” để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán, lên án tệ nạn, tiêu cực; đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Được như vậy, những người làm báo của Đồng Tháp sẽ bước đầu thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Được như vậy, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2016 càng thêm ý nghĩa.

                                                                                      Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn