Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và di nguyện “Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển với hiệu quả cao, vững bền”

Cập nhật ngày: 21/02/2021 08:46:36

Được tin ông Trương Vĩnh Trọng (anh Hai Nghĩa) từ trần, tôi thấy buồn và cũng khá bất ngờ. Vì rằng, mới mấy tháng trước đây (vào trung tuần tháng 10/2020) anh và chị Hai cùng về dự khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Thấy hai anh chị còn khỏe, tôi mừng thầm!...


Đồng chí Trương Vĩnh Trọng và tác giả bài viết, tại vườn nhà ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày 28/10/2011

Ngay trong ngày anh mất (19/2/2021), tôi có gửi dòng cảm nghĩ của mình trên Báo online (Tuổi trẻ, Báo Thanh niên và một số báo khác…). Tôi đã viết: “Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng) kính mến! Tôi may mắn có thời gian khoảng 6 tháng (từ tháng 7-12/2000) được làm việc với anh, với vai trò, nhiệm vụ là người giúp việc cho anh trong nghiên cứu về nền kinh tế nông nghiệp, bao gồm: “Nông nghiệp - nông dân - nông thôn và môi trường sinh thái" của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Rất cảm ơn anh! Vì hơn 20 năm qua, những nội dung này vẫn được tiếp tục đề cập, soi sáng thêm tại Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa rồi (diễn ra từ ngày 26/1 – 1/2/2021, tại thủ đô Hà Nội) - phần nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái.

Em nhỏ: Nguyễn Thanh Bạch (bí danh là Bù Kính), nguyên là Chuyên viên nghiên cứu kinh tế của Ban Kinh tế Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp (giai đoạn từ năm 1993 – 2000)”.

Nhớ lại cái ngày mà lần đầu tiên tôi gặp anh Hai Nghĩa. Hơn 20 năm trước đây! Ông Trương Vĩnh Trọng, sau một tuần lễ nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (do Bộ chính trị quyết định phân công và chỉ định). Vào khoảng 8 giờ sáng, thứ Hai, ngày 31/7/2000, bước vào Phòng Nghiên cứu tổng hợp (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp) ông cười tươi vẫy tay chào, chúc sức khỏe mọi người và hỏi ngay: Ở đây chú nào tên Bạch? Mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên và đưa mắt nhìn sang chỗ tôi ngồi. Tôi liền đứng dậy, bước lại gần ông và lễ phép trả lời: Dạ thưa anh Hai, em tên là Nguyễn Thanh Bạch. Ông bắt tay tôi và thân tình, nhẹ nhàng nói: Tôi là Hai Nghĩa, hôm nào rảnh chú gặp tôi để trao đổi một số công việc nhé! 

Vài ngày sau tôi “chuẩn bị tinh thần” để đến gặp anh tại phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy. Anh Hai Nghĩa rất thân tình, ân cần nói với tôi rằng: Anh được biết, lâu nay Tỉnh ủy có phân công cho chú nghiên cứu về mảng kinh tế nông nghiệp phải không? Anh mới về đây nhận nhiệm vụ, mảng này (ngành nông nghiệp của tỉnh) chú tham mưu giúp anh nhé!.. Từ đó cho đến ngày anh Hai Nghĩa về Trung ương (khoảng 10 tháng) là khoảng thời gian tôi và anh em Văn phòng Tỉnh ủy đã “quyết liệt” làm người tham mưu, giúp việc cho anh…

Trên dưới ba trăm ngày anh Hai Nghĩa về với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Chắc hẳn là đã có rất nhiều kỷ niệm, dấu ấn khó quên. Có nhiều nét đẹp, nhân cách và phong cách đáng mến phục của anh Hai Nghĩa (chân chất, gần gũi, nhân ái, nghĩa tình, hào hiệp, thủy chung, kiên định, nghiêm khắc…) như nhiều người đã ca ngợi, ví như một tấm gương tốt cần phải học tập, làm theo. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến một khía cạnh khác. Đó là, từ sự chứng kiến tận mắt trận lũ lụt lịch sử năm 2000 (Canh Thìn), trận lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất về người và tài sản cho Nhân dân trong tỉnh Đồng Tháp và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, là người gần dân, hiểu dân, thương dân, lo cho dân…, anh Hai Nghĩa đã có một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển trong tương lai của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong bài viết với tiêu đề: “Để Đồng Tháp sống chung với lũ ổn định, phát triển và trù phú”, của ông Trương Vĩnh Trọng, lúc đó đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đăng tải trên trang 2, Báo Nhân Dân, số ra ngày 21/11/2000. Trong bài báo này, anh Hai Nghĩa có nêu lên một quan điểm, một ý tưởng, một ước muốn với niềm tin mãnh liệt cho sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL như sau: …”Những công việc của năm 2001 và những năm tiếp theo: Như chúng tôi đã thường nói, ĐBSCL do lịch sử kiến tạo của tự nhiên và quá trình khai thác của con người đã tạo nên một tổng thể hài hòa giữa đất – nước – con người. Muốn phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững ở vùng châu thổ này đòi hỏi nhiều nhà khoa học, nhiều tỉnh phải cộng tác chặt chẽ cùng nghiên cứu để đưa ra những quyết sách phù hợp, cùng vì một mục đích quốc kế - dân sinh. Ở đây cần sự đoàn kết, hợp tác xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa mà Chính phủ phải là người “nhạc trưởng” điều phối hay, nhịp nhàng mới tạo nên sự phát triển với hiệu quả cao, vững bền cho toàn vùng.”…

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng và tác giả bài viết, tại nhà riêng ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày 28/10/2011

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt, nhất là nền kinh tế nông nghiệp của chúng ta sẽ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng, nông dân giàu có. Đó cũng chính là góp phần thực hiện một phần di nguyện “quốc kế – dân sinh” của anh Hai Nghĩa thân thương của chúng ta vậy.

Xin vĩnh biệt anh Hai Nghĩa kính mến và thân thương!. Mong anh thanh thản, an yên ở cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Thanh Bạch

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn