Liên kết sản xuất, kinh doanh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày: 19/10/2016 07:49:03

ĐTO - Năm 1927, cuốn sách “Đường cách mệnh” được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản từ tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại các khóa huấn luyện của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cuốn sách có một phần về hợp tác xã (HTX).


Bác Hồ thăm HTX  Lai Sơn (Vĩnh Phúc) ngày 30/03/1958 (Ảnh tư liệu)

Sau khi nói về lịch sử hình thành HTX của một số nước, Nguyễn Ái Quốc dẫn tục ngữ Việt Nam: "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó", "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao", từ đó Người khẳng định: “Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy”, “Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”.

Nguyễn Ái Quốc chỉ ra các loại HTX: tiền bạc, mua, bán, sinh sản. Mỗi loại HTX, Người nêu ví dụ minh họa, như “Nhà nào cũng không làm đủ đồ dùng được, chắc phải đi mua. Mua nhiều (mua sỉ) thì chắc rẻ hơn mà đồ tốt hơn. Mua lẻ thì đắt mà đồ thì xấu. Nhưng thợ thuyền và dân cày lấy tiền đâu mà mua sỉ? Mua được, một nhà dùng cũng không hết. Cho nên phải chịu thua thiệt mãi. Nếu nhiều nhà góp lại, mua sỉ về chia nhau, thì đã được rẻ, đồ lại tốt lại khỏi mất thì giờ”, “Mua càng nhiều càng rẻ, bán càng nhiều càng đắt. Mua càng ít càng đắt, bán càng ít càng rẻ. Ai cũng biết như vậy. Nhưng dân nghèo có đồ đâu mà bán nhiều. Vả lại khi đã đem rổ khoai thúng lúa đi chợ, thì đắt rẻ cũng muốn bán cho xong, không lẽ mang đi mang về mãi. Phần thì sợ mất công, phần thì sợ mất thuế, phần thì sợ hao mòn. Nhà buôn biết vậy, lại càng bắt bí trả rẻ”.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp. Mặc dù có lúc việc thành lập HTX chưa mang lại hiệu quả, do khách quan và chủ quan, nhưng hợp tác trong sản xuất, kinh doanh vẫn là qui luật của đời sống xã hội.

Một trong các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hàng ngàn HTX, tổ hợp tác ra đời, củng cố, phát triển; hàng trăm ngàn ha lúa, vườn được nông dân và doanh nghiệp hợp đồng từ giống, vật tư đến tiêu thụ sản phẩm; nông dân mạnh dạn cho HTX, doanh nghiệp thuê đất trong thời gian dài... Qua liên kết, thu nhập của nông dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, doanh nghiệp ỏn định, nâng cao.

Tuy nhiên vẫn có nông dân ngán ngại vào HTX bởi tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ, bởi dư âm của HTX thời quan liêu, bao cấp; có HTX vì lợi ích của những người sáng lập không muốn kết nạp thêm thành viên; có doanh nghiệp và nông dân vì lợi nhuận không thực hiện đúng hợp đồng khi giá thành nông sản tăng - giảm.

Thực trạng trên có nguyên nhân từ công tác tuyên tuyền về lợi ích trong liên kết sản xuất - HTX hiện nay.

Với vai trò chủ thể trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nông dân Đồng Tháp không chỉ chủ động thay đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình biến đổi khí hậu, kinh tế thị trường mà còn cần liên kết với nông dân khác, với HTX, với doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các mục tiêu của Đề án.

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo Đề án Tái cơ cấu  ngành nông nghiệp của tỉnh là hành động cụ thể trong học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh vể hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh khi nước ta đã và đang hội nhập ngày sâu vào thị trường, môi trường kinh tế thế giới.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn