Đào tạo và việc làm

Cập nhật ngày: 22/07/2016 05:34:20

Đài Truyền hình Đồng Tháp có phóng sự khuyên học sinh tốt nghiệp THPT (cả THCS) không chỉ chăm bẳm học lên Đại học, mà lượng sức đi học nghề hoặc đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc đó đúng trong tình hình hiện nay. Dĩ nhiên còn mang tính nhất thời.

Học nghề nói ở đây trong khuôn khổ các trường dạy nghề cấp tỉnh và huyện. Thật ra, nghề bao gồm cả ở những trường cao đẳng, trung học khác, đào tạo cả điều dưỡng, y tá, dược tá, chăn nuôi, thú ý, lái xe, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm... Chưa bao giờ trên đất nước ta mạng lưới các trường dạy nghề nói chung đa dạng, phong phú như bây giờ.

Thực tế rất nhiều học sinh không theo lên đại học mà học ở các trường hệ cao đẳng, trung học và cả học nghề dạng cầm tay chỉ việc. Chỉ tiếc một điều là khi xã hội phát triển, hội nhập quốc tế, nhu cầu nhân lực có trình độ và tay nghề cao ngày càng lớn. Sự thật, trình độ dân trí, nghề nghiệp đại bộ phận dân ta còn chưa theo kịp các nước phát triển trên thế giới, cũng có nghĩa nhân lực, nhân tài nước ta chưa đủ đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng lại có nghịch lý: Người được đào tạo từ trường lớp ra hiện còn số đông không tìm được việc làm, kể cả số có bằng đại học, sau đại học.

Từ lâu, tâm lý và thói quen là cha mẹ lẫn người được đào tạo muốn được nhận vào làm trong một cơ sở Nhà nước. Nơi đây, dù lương không cao nhưng đảm bảo ổn định, hưởng được các chính sách xã hội và có chế độ hưu. Dĩ nhiên, gần đây nhận thức này chuyển hướng dần sang tìm việc làm ở các cơ sở ngoài Nhà nước, cơ sở nước ngoài, vì ít bị ràng buộc và có thu nhập cao hơn.

Chỗ cần bàn là do nhu cầu nhân lực có trình độ và tay nghề cao, biên chế có hạn, nên có hiện tượng: các cơ quan, đơn vị Nhà nước đã đủ hoặc thừa biên chế, không thể thu thêm người mới; phải qua thi công chức, thi tay nghề... nên lao động được đào tạo đâm ra dư thừa. Học xong, không tìm được việc làm hiện nay thành vấn đề xã hội bức xúc. Không ít người học nghề này phải làm nghề khác hoặc lao động giản đơn. Thậm chí, người có bằng đại học nhưng khi xét vào cơ quan nơi đó đòi hỏi phải đại học chính qui, không nhận đại học liên thông, đại học từ xa; phải là trường đại học X, đại học H, không nhận sinh viên tốt nghiệp đại học M, N!

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, song vấn đề này vẫn chưa rõ lối ra. Trường đại học cứ mở các chuyên ngành, không nghĩ tới nhu cầu ở các địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội có cần đến những đối tượng mình đào tạo hay không, nhất là số lượng. Đầu vào cứ chiêu sinh càng nhiều càng tốt, mặc cho gia đình tốn kém phải bán đất bán vườn, đi vay ngân hàng, tốt nghiệp ra trường có tìm được việc làm, có trả được nợ vay ngân hàng hay không? Dư thừa lao động qua đào tạo - nhất là giáo viên - hiện nay là bài học quá đắt. Trong kinh tế, sản xuất ra sản phẩm không theo nhu cầu thị trường, không tiêu thụ được, thì cơ sở sản xuất chết. Còn đào tạo sinh viên ra trường có tìm được việc làm hay không, trường đào tạo vẫn bình yên!

Trước mắt, tỉnh ta động viên người lao động học nghề ra làm “thợ” hoặc đi hợp tác lao động với nước ngoài để có công ăn việc làm, có thu nhập. Song, nhìn xa hơn, đó cũng chỉ là biện pháp nhất thời, vì mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc công nghiệp hóa, theo hướng hiện đại hóa, không dừng lại ở trình độ, tay nghề cỡ vậy.

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn