Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần bám sát nhu cầu thực tế

Cập nhật ngày: 17/05/2018 16:43:37

ĐTO - Ngày 17/5, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng đoàn công tác của Ban Văn hóa – Xã hội đến khảo sát thực tế tại 2 xã Phú Hựu, Hòa Tân và làm việc với UBND huyện Châu Thành về kết quả triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội làm việc với UBND huyện Châu Thành

Từ năm 2011 đến tháng 4/2018, có hơn 5.700 lao động nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành được đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng.

Nhóm nghề nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp được triển khai đào tạo ở địa phương là chăn nuôi gà, heo, bò; kỹ thuật trồng rau an toàn, cây có múi, nhãn, xoài, sầu riêng theo hướng VietGAP. Các nghề phi nông nghiệp được đào tạo chủ yếu là đan lục bình, đan ghế nhựa, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, vận hành và sửa chữa máy phun xịt thuốc, công nhân xây dựng,… Sau đào tạo, trên 80% lao động có việc làm.

Khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Châu Thành là do chưa có sự phối hợp giữa Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Trạm Khuyến nông với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội nên người học nghề chưa được vay vốn ngay sau khóa học để tổ chức sản xuất mà chỉ được vay khi ngân hàng có nguồn vốn.

Qua kết quả khảo sát, ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội lưu ý địa phương không đặt chỉ tiêu trong kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề, các nghề đào tạo cần bám sát, phù hợp nhu cầu thực tế để lao động có được việc làm đúng theo nghề đã được đào tạo để tránh lãnh phí; cần tạo sự gắn kết các hộ gia công để tạo thu nhập cao hơn cho người lao động,…

Thanh Trúc

­

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn