Đại dịch Covid - 19 và ứng dụng công nghệ thông tin

Cập nhật ngày: 24/06/2020 10:09:18

ĐTO - Có cán bộ chủ chốt ở cơ sở được điều động về huyện, làm chuyên viên, theo kế hoạch sắp xếp, phân công nhân sự trước Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau hơn 1 tháng, vị cán bộ đó được (bị) trong và ngoài cơ quan đặt cho hỗn danh là “chuyên viên pha trà”, “chuyên viên quét nhà”, bởi không biết sử dụng máy vi tính.

Ngày nay, trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, có lẽ chẳng còn ai viết văn bản bằng tay để trình cấp trên phê duyệt hay trao đổi công việc.

Đối với không ít người, việc ra bưu điện mua con tem dán vào bao thư để gửi đi đã trở thành hoài niệm hoặc lạ lẫm.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta, đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa 14 họp theo hình thức trực tuyến.

Trước đó, nhiều cuộc họp của Trung ương và ở không ít địa phương tổ chức trực tuyến. Tài liệu phục vụ họp trực tuyến và nhiều cuộc họp trực tiếp được gửi qua hộp thư điện tử với độ bảo mật cao.

Dự kiến trong tháng 8/2020, Chính phủ sẽ khai trương Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành với 36 màn hình để giúp Thủ tướng nắm thông tin toàn quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Kỳ họp thường niên năm 2020 của Liên hiệp quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Những người dự họp ít nhất phải biết mở máy và đọc văn bản.

Nhà tương lai học Thomas Loren Friedman đưa ra nhận định trong tác phẩm nổi tiếng “Thế giới phẳng”: cùng với sự tác động của các nhân tố kinh tế và khoa học kỹ thuật, internet làm cho sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn bao giờ hết, như việc nhân viên làm việc tại nhà, cách công ty nửa vòng trái đất vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại dịch Covid - 19 là một trong những thảm họa toàn cầu, nhưng đồng thời mở ra cơ hội để việc trao đổi thông tin, học tập, làm việc, họp hội trên không gian mạng trở nên phổ biến; làm cho địa phương, vùng miền, quốc gia và thế giới ngày càng nhỏ lại, phẳng hơn.

Ngoài những lợi ít về kinh tế do các hoạt động trên không gian mạng, thế giới còn “phẳng” hơn khi xét về yếu tố nhân văn: sự chênh lệch, phân biệt giàu nghèo giữa những người tham gia gần như bị xóa nhòa, bởi họ chỉ gặp nhau qua internet.

Trong xu hướng đó, việc tiếp cận, khai thác những ứng dụng của công nghệ thông tin là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, nếu không muốn bị bỏ lại hoặc đào thải khỏi dòng chảy của tiến bộ xã hội.

Theo quy định, tất cả cán bộ, công chức, viên chức phải có chứng chỉ tin học, không chỉ để làm công việc tối thiểu là soạn và đọc văn bản mà còn là khai thác, ứng dụng khối lượng thông tin khổng lồ, vô tận của nhân loại trên máy tính. Do đó, nếu một cán bộ không soạn thảo được văn bản trên máy tính, chỉ biết lãnh đạo, chỉ đạo bằng miệng, bằng tay với kinh nghiệm và kiến thức tối thiểu sẵn có thì trở thành chuyên viên pha trà hay quét nhà không có gì lạ, thành gánh nặng cho tổ chức và xã hội.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn