Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW:

Đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình lịch sử thể hiện nét đặc thù riêng của địa phương, đơn vị

Cập nhật ngày: 13/11/2017 11:31:09

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các cấp ủy đảng trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, yêu cầu, vị trí, vai trò và nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; quan tâm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình, kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm về công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, ban hành công văn hướng dẫn cách đăng ký, nghiệm thu đề tài lịch sử địa phương, sơ kết, tổng kết công tác lịch sử Đảng; hướng dẫn các đơn vị thường xuyên tham mưu cấp ủy về nội dung, phương pháp biên soạn lịch sử.

Việc theo dõi công tác lịch sử Đảng bộ địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục. Phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) quan tâm nghiên cứu trả lời những vấn đề liên quan đến lịch sử, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống của các ngành, các địa phương, đơn vị.

Trong nội dung thi đua công tác tuyên giáo hàng năm có đề ra tiêu chuẩn và thang điểm chấm thi đua về công tác lịch sử Đảng. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phân công cán bộ phụ trách, phân bổ kinh phí, trang bị phương tiện phục vụ việc sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử. Nhiều đơn vị thường xuyên ban hành công văn, kế hoạch nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể, tiêu biểu như: huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, TP.Cao Lãnh...

Xác định tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, các địa phương, đơn vị, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện đều quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đối với cấp tỉnh đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp từ năm 1927 - 1975, gồm 3 tập: Tập I (1927 - 1945), tập II (1945 -1954) và tập III (1954 - 1975).

Hiện nay, đang triển khai thực hiện việc tu chỉnh, bổ sung lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1927-2000). Trong 15 năm (2002 -2017), cấp tỉnh đã biên soạn, xuất bản được 52 công trình. Đối với cấp huyện có 8/12 huyện, thị xã, thành phố được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” tính đến tháng 4/2017, tất cả 8/8 đơn vị đã xuất bản Lịch sử truyền thống cách mạng, trong đó xuất bản Lịch sử truyền thống cách mạng từ năm 1927, 1930 đến năm 1975 có các địa phương: huyện Hồng Ngự (1930 - 1975), huyện Cao Lãnh (1927 - 1975), huyện Lấp Vò (1930 - 1975) và TP.Sa Đéc (1927 - 1975).

Đối với các huyện, thị xã không phải là đơn vị anh hùng như: huyện Tân Hồng, TX.Hồng Ngự được tách ra từ huyện Hồng Ngự (cũ) sau năm 1975 nên lịch sử giai đoạn 1930 - 1975 được viết chung với lịch sử huyện Hồng Ngự; huyện Tam Nông đã xuất bản “Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Tam Nông (thế kỷ XVIII - 1975)”; huyện Lai Vung đã xuất bản “Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Thạnh Hưng (1927 - 1945)” và “Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1954 - 1975)...

Việc chỉ đạo biên soạn, tọa đàm, hội thảo, thẩm định, nghiệm thu các công trình lịch sử theo quy trình thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, hạn chế được những thiếu sót, những bản thảo chưa đạt yêu cầu được nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa trước khi xuất bản, phát hành. Từ đó, chất lượng các công trình được nâng lên, bảo đảm nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học và tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị.

Các công trình xuất bản có những đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn