Công tác dân vận hướng hoạt động về cơ sở

Cập nhật ngày: 14/10/2016 10:21:17

ĐTO - Trong 86 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận có những đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp cách mạng, góp phần to lớn cho công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc về chính trị. Đảng bộ Đồng Tháp luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là công tác chiến lược của Đảng trong tình hình mới hiện nay.

Quán triệt và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong những năm qua, hệ thống dân vận của tỉnh ngày càng phát huy vai trò và vị thế, đặc biệt là vai trò tham mưu của hệ thống dân vận từ tỉnh đến huyện đối với cấp ủy đảng ngày càng được tốt hơn, chất lượng và hiệu quả hơn. Các cấp ủy đã triển khai, quán triệt sâu rộng trong các cấp, các ngành và có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Tăng cường lãnh đạo, định hướng, đổi mới công tác dân vận sát với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Công tác dân vận chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng lên; công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, quy chế dân chủ cơ sở công khai minh bạch... mang lại kết quả thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được quan tâm thực hiện đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Bên cạnh đó, nhiều phong trào của địa phương cũng được phát huy sôi nổi, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp, góp phần giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội từ cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đảm nhận các công trình, phần việc thiết thực như: tham gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển du lịch, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, liên kết sản xuất... nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực và góp phần giải quyết khó khăn, bức xúc, bất cập trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát thực tế, cơ sở. Nhiều phong trào, mô hình hoạt động đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực, dần đi vào chiều sâu, nền nếp, mang tính tự quản, cộng đồng, xã hội khá cao, huy động được cộng đồng xã hội tham gia. Hướng hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư, kết hợp chặt chẽ và hài hòa hai mục tiêu vừa chăm lo, đáp ứng những lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân, vừa khơi gợi, huy động, khai thác tiềm năng của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội. Khắc phục bước đầu những biểu hiện hành chính trong hoạt động, chú trọng đến việc đổi mới phương thức tập hợp nhân dân vào tổ chức thông qua các mô hình khởi nghiệp, liên kết trong sản xuất, hỗ trợ việc làm... như thí điểm mô hình tổ chức đảng, đoàn thể ở cánh đồng liên kết của hai hợp tác xã, thành lập chi bộ chung và các chi hội nông dân, thanh niên, phụ nữ ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, bước đầu loại hình này hoạt động đem lại kết quả khả quan, được Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao và điển hình toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả đạt được, công tác dân vận vẫn còn những hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, nhưng chưa theo kịp với tình hình, nhiệm vụ mới; một số mặt hoạt động còn biểu hiện hành chính hóa, chưa thật gần dân, sát địa bàn, cơ sở; còn chậm chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy. Công tác nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, hội viên và nhân dân đôi khi còn chậm, thiếu kịp thời. Việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục xác định rõ tầm quan trọng, vị trí, vai trò công tác dân vận của Đảng, nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hướng hoạt động về cơ sở, phát huy năng lực và trí tuệ của toàn dân, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tập hợp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng địa phương bền vững.

HỮU HOÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn