Cần một đầu mối thống nhất tổ chức thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ

Cập nhật ngày: 30/05/2018 10:13:32

ĐTO - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp có bài phát biểu tại hội trường Quốc hội. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.


Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội trường Quốc hội

Những kết quả tích cực về phát triển KT-XH thể hiện trong các báo cáo trình trước Quốc hội được cử tri đánh giá cao, đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Kết quả tích cực trên cũng thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ lãnh đạo cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Kết quả tích cực trên cũng minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch và thông suốt. Thời gian qua, mỗi địa phương có mô hình mới hoặc gặp khó khăn, gặp sự cố,... thì các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội kịp thời đến tìm hiểu nguyên nhân, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình mới có hiệu quả. Điều đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp khắc phục những yếu kém, giúp địa phương vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ,...

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung thực hiện để tháo gỡ, đó là: Công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng chưa nhiều. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, còn để thất thoát lớn. Tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục diễn biến phức tạp, từ bờ biển Cà Mau, đến bờ sông Tiền thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, gần đây sạt lở nghiêm trọng tại Cần Thơ,... đã thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng cho người dân, nhưng chậm có giải pháp khắc phục hữu hiệu...

Dấu hiệu tăng trưởng kinh tế; đời sống của người dân từng bước được nâng lên là yếu tố quan trọng thúc đẩy KT-XH nước ta tiếp tục phát triển. Với góc nhìn của tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL, tôi xin nêu một số vấn đề mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét:

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả vùng ĐBSCL rất phấn khởi, tin tưởng vào Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong Nghị quyết này đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cả vùng, đó là: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hóa, con người;...

Về phần tổ chức thực hiện Nghị quyết 120, Chính phủ giao trách nhiệm cho 16 Bộ, ngành, TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Thế nhưng tôi và người dân trong vùng còn băn khoăn về cách thức tổ chức đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống trong bối cảnh sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp và khó lường. Nghị quyết của Chính phủ đề ra có những mục tiêu trong ngắn hạn và tầm nhìn trong dài hạn vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước đang đe dọa gần 20 triệu dân đồng bằng. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm chưa thật cụ thể, chưa có tiến độ tổng thể, từ quy hoạch tích hợp cho đến triển khai các giải pháp công trình và phi công trình; chưa quy định rõ cơ quan nào là đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành đã hơn 6 tháng, nhưng việc triển khai còn rất chậm. Vừa qua, các địa phương trong vùng vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chi 1.500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sạt lở. Tuy nhiên, theo tôi cần có giải pháp đồng bộ, lâu dài như Nghị quyết đã đề ra. Ngoài ra, cần có giải pháp để câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu xuống đến cộng đồng dân cư, người dân và đặt trong bối cảnh tổng thể cấp vùng.

Để Nghị quyết 120 của Chính phủ sớm được triển khai thì rất cần một đầu mối thống nhất trong việc tổ chức thực hiện. Không thể để tự các Bộ, ngành, địa phương trong vùng tự thực hiện riêng lẻ những phần việc được Chính phủ giao, mà phải có sự phối hợp đồng bộ, có sự chỉ huy thống nhất từ Chính phủ. Nên chăng Chính phủ phân công cụ thể 1 Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thủ tướng Chính phủ đảm trách thêm nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Có như thế, Nghị quyết này mới sớm được tổ chức triển khai thực hiện, sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng lòng mong mỏi và sự kỳ vọng của nhân dân.

Thanh Trúc (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn