KỶ NIỆM 72 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Âm vang những ngày tháng mùa Thu lịch sử

Cập nhật ngày: 02/09/2017 06:33:16

ĐTO - Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Đồng Tháp có nhiều sự kiện diễn ra trong những tháng mùa Thu.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) và Chỉ thị của Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, khí thế cách mạng quần chúng diễn ra sục sôi từ Bắc chí Nam. Ở Sa Đéc (Đồng Tháp ngày nay), Tỉnh ủy lâm thời tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa như: củng cố các chi bộ đã có, thành lập thêm chi bộ mới, đưa đảng viên tham gia các tổ chức quần chúng, tổ chức Thanh niên tiền phong do đảng viên cộng sản làm nòng cốt thu hút đông đảo thanh niên ngày đêm luyện tập quân sự, tuần tra canh gác. Đến tháng 8/1945, phong trào cách mạng trong tỉnh lên cao. Nhiều tổ chức vũ trang ra đời. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập.

Mặc dù chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương, nhưng do đánh giá chính xác tình hình, nhận định thời cơ đã chín muồi, rõ nhất là khí thế dâng cao của quần chúng và tinh thần, nội bộ địch rệu rã, Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa giành chính quyền đồng thời ở Sa Đéc và Cao Lãnh vào ngày 25/8/1945.

Trước đó, ngày 23/8, du kích xã Phong Mỹ đánh chiếm đồn bảo an Phong Mỹ; Thanh niên tiền phong Cao Lãnh diễu hành, biểu diễn thể dục để biểu dương lực lượng. Ở Sa Đéc, trong đêm 24/8, lực lượng các xã cùng trung đội du kích Cao Lãnh tăng cường bí mật vào ém quân trong nội ô, phối hợp với cơ sở sẵn sàng cùng quần chúng nổi dậy.

Rạng sáng ngày 25/8, đồng thời ở cả hai nơi, hàng ngàn quần chúng tiến vào trung tâm, bao vây nhà quận trưởng, tỉnh trưởng, đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Đồng chí Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài) - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa, một mình vào dinh Tỉnh trưởng yêu cầu Tỉnh trưởng đầu hàng, bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Kết quả, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Sa Đéc đã thành công trọn vẹn chỉ trong 1 ngày. Các ủy ban cách mạng lâm thời, Ủy ban hành chính từ tỉnh đến xã lần lượt được thành lập, cùng với đó là các tổ chức như Ủy ban quân sự, Quốc gia tự vệ cuộc, tài chánh, thông tin tuyên truyền ra đời. Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng cứu quốc được củng cố, phát triển thêm lực lượng. Đến cuối năm 1945, hầu hết các làng xã thuộc Đồng Tháp ngày nay đều có chi bộ hoặc đảng viên lãnh đạo.

Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập và Các nhiệm vụ cấp bách do Chính phủ lâm thời ban hành đã được Tỉnh ủy Sa Đéc lãnh đạo tuyên truyền rộng rãi và tổ chức thực hiện rộng khắp, trong đó tập trung chuẩn bị tham gia bầu cử Quốc hội đồng thời củng cố tổ chức, chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, mặc dù giặc Pháp và bọn phản động tìm cách ngăn cản, phá hoại nhưng nhân dân không ngại nguy hiểm, nô nức thực hiện quyền làm chủ của công dân một nước độc lập. Ở Sa Đéc, xã Phú Hựu, quận Châu Thành có gần 100% cử tri đi bầu cử. Những nơi đi lại khó khăn như vùng Đồng Tháp Mười, biên giới, cù lao Tây vẫn tổ chức bầu cử thành công... Các đại biểu do Đảng và Mặt trận Việt Minh giới thiệu ra ứng cử đều trúng cử với tỷ lệ rất cao.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn với dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Cùng với Nam bộ và cả nước, Đảng, quân, dân Sa Đéc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, vì độc lập, tự do.

Đồng Tháp ngày nay không còn là nơi cuối nguồn khuất nẻo, chỉ có chua phèn, lầy lội mà đã chuyển mình, phát triển toàn diện đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Kế thừa, phát huy truyền thống, khí thế hào hùng của cách mạng Tháng 8/1945 và hào khí của Tuyên ngôn Độc lập, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp quyết tâm với khí thế mới, vươn đến tầm cao mới, để âm vang những ngày tháng mùa Thu lịch sử vẫn còn vang mãi trên Đất Sen hồng.

Thủy Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn