6 tháng đầu năm HĐND tỉnh thực hiện tốt việc giám sát theo chuyên đề

Cập nhật ngày: 06/07/2012 08:59:30

Thực hiện chương trình hoạt động giám sát theo Nghị quyết HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2012, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 31 cuộc khảo sát và 4 cuộc giám sát. Nhìn chung, các cuộc khảo sát, giám sát đã góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Khảo sát tại Lấp Vò

Thường trực HĐND tỉnh tiến hành khảo sát tại UBND huyện Tam Nông, Châu Thành, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Sở Công thương, sau đó đi thực tế tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Thường Phước, Dinh Bà, cụm công nghiệp Phú Cường, Mỹ Hiệp, thị trấn Cái Tàu Hạ - An Hiệp, khu công nghiệp SaĐéc, khu công nghiệp Sông Hậu và tiến hành giám sát đối với UBND tỉnh. Trong đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đi khảo sát một số dự án làm việc với 5 huyện, thị, thành, Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh và thực hiện giám sát tại Sở Xây dựng. Ban Văn hóa - Xã hội tổ chức khảo sát tại 9 trường THCS và Tiểu học tại 6 huyện, thị sau đó làm việc với huyện Tháp Mười và 2 thị xã Hồng Ngự, SaĐéc, thực hiện giám sát tại Sở Giáo dục - Đào tạo. Ban Pháp chế tổ chức 7 cuộc khảo sát tại 4 xã và làm việc với Công an các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, thị xã Hồng Ngự và tổ chức giám sát tại Công an tỉnh.

Qua các hoạt động giám sát cho thấy có nhiều tiến bộ của hoạt động kinh tế - xã hội được ghi nhận như: sự hình thành, phát triển khu, cụm công nghiệp đã góp phần tích cực cho việc phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động; việc quy hoạch hình thành các khu, cụm công nghiệp tạo thuận lợi, thu hút các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ để phát triển, cùng với sự phát triển công nghiệp chế biến là điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, đạt kết quả cao hơn và góp phần chuyển dịch cơ cấu GDP của tỉnh.

Tuy nhiên, qua khảo sát, giám sát vẫn còn những khó khăn hạn chế do khu kinh tế cửa khẩu vẫn còn một số hộ dân khiếu nại chính sách đền bù, một số dự án chưa có nhà đầu tư đăng ký kinh doanh, khai thác; cửa khẩu Quốc tế - Bontiachacray chưa đưa vào danh sách hiệp định vận tải đường bộ giữa hai quốc gia nên khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách qua lại cửa khẩu; hạ tầng kỹ thuật và các tuyến giao thông đối ngoại kết nối cửa khẩu chưa hoàn chỉnh nên khó thu hút đầu tư; cơ chế chính sách đối với khu phi thuế quan chưa ổn định, nên các nhà đầu tư lo ngại chưa triển khai dự án.

Đối với khu, cụm công nghiệp, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, còn một số hộ dân khiếu kiện về giá đền bù, chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư, việc sử dụng đất đã thu hồi, giải phóng mặt bằng tỷ lệ còn thấp, gây bức xúc trong dân, khu công nghiệp còn 61ha chưa cho thuê, tỷ lệ lao động có tay nghề cao chưa đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hạ tầng kết nối giao thông đầu tư phát triển chưa đồng bộ, chi phí vận chuyển cao... Những khó khăn này cần tháo gỡ để đẩy nhanh phát triển công nghiệp, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

DT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn