“Năm mới – hy vọng, kỳ vọng và khát vọng”

Cập nhật ngày: 26/01/2017 08:03:16

Ngày xuân hối hả, chợt nghe âm vang lời ca “...Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông. Tôi đang nghe tiếng gió ngày xuân...”. Tiếng sóng và tiếng gió, trong bạn và trong tôi, trong nhà và ngoài ngõ. Một năm kết thúc, được gì và chưa được gì? Điều gì còn vương vấn và lắng đọng lại trong mỗi người Đồng Tháp? Một vòng quay mới của đất trời, rồi sẽ phải làm gì? Làm như thế nào? Cái gì cần phải nhanh hơn? Cái gì cần tiết chậm lại? Tất cả điều đó không chỉ cho một cá nhân nào, mà cho “mảnh đất - tình người” này trong vòng xoáy của sự thay đổi nhanh chóng và diệu kỳ ngoài kia: hội nhập và cuộc “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.


Tham quan vườn quýt hồng Út Tường

Chắc có ai đó sẽ cho rằng, thực lực mình chỉ có bao nhiêu, vẫn đang loay hoay với những hạn chế, yếu kém còn chưa xong thì còn đâu mà tham gia vào cuộc cách mạng này nọ?!? Thì vậy, trong khi chúng ta còn chần chừ, do dự,  so bì thiệt hơn thì ngoài kia làn gió mới đang thổi, những ngọn sóng ngày một mạnh hơn. Nhưng nếu nhìn cuộc sống với niềm tin, thì cuộc sống đâu đó vẫn “đơm bông, kết hoa” quanh chúng ta hàng ngày.

Bên cạnh những mặt không thuận lợi từ bên ngoài lẫn bên trong, do trời đất và do chính con người, nông nghiệp còn quá đỗi khó khăn, nông dân còn quá đỗi nhọc nhằn. Vượt lên điều nặng lòng đó, đã thấy nụ cười của người nông dân lạc quan, rũ bỏ cách làm lủi thủi một mình để quây quần trong những hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán. Bà con ngày càng nhận ra rằng, lối thoát duy nhất hiện nay là “phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Một lão nông tri điền nhận ra trong các lý do dẫn đến cái nghèo có phần do chính mình gây ra. Những người nông dân đã háo hức tham gia vào các “Phiên chợ xanh”, “Tuần lễ trái cây sạch”... Vậy thì bà con mình đang thay đổi rồi còn gì?!?

Giữa biển lúa canh tác theo truyền thống với công thức “lúa - phân - thuốc”, có một mảnh ruộng đã thoát ra bằng một công thức mới “lúa - cá - vịt”. Đó là mô hình của một người Đồng Tháp trẻ nhiều người chưa biết tên cho đến khi được đăng quang trong cuộc thi khởi nghiệp với dự án “Nông trại lúa sạch Tâm Việt”. Người viết không cố tình khắc họa một dự án, một con người, bởi vì như vậy là chưa đủ, chưa phủ khắp những hình ảnh, những con người có tâm với cộng đồng, với quê hương xứ sở trên khắp 144 xã, phường, thị trấn. Chỉ qua những hình ảnh này để nói đến một xã hội mênh mông, ở đó nhiều ý tưởng, nhiều hành động đang “sinh sôi nảy nở” từng ngày. Đó là những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Đó là những giải pháp hữu ích từ người nông dân bình dị. Đó là những mô hình sinh hoạt tự nguyện của các cộng đồng dân cư. Đó là hình ảnh một người dân hàng ngày lặng lẽ vớt rác để trả lại sự trong xanh cho dòng sông. Đó là hình ảnh nhóm “Thiện nguyện Đất Sen hồng” hàng tháng đến với những mảnh đời còn khốn khó bằng những tình cảm đong đầy. Đó là những tình nguyện viên cần mẫn hướng dẫn những người khuyết tật tự tin tiếp cận được với công nghệ thông tin. Đó là những nụ cười hào sảng, những ánh mắt tự tin, những cái bắt tay siết chặt của những người Đồng Tháp sẵn sàng đổi mới. Đó là quyết tâm cải cách hành chính trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh nhà, để rồi từ đó, người lãnh đạo có điều kiện để tiếp cận cơ sở nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn những nhịp đập hối hả của cuộc sống.

Những hình ảnh đó hiện diện ở khắp nơi, từ vùng biên ngập tràn lúa vàng đến làng hoa muôn màu, từ những cù lao trù phú đến những vườn cây ăn trái xanh tươi. Làm sao để những điển hình tiêu biểu đó không đơn độc trên hành trình hướng đến cái mới phải luôn là nỗi trăn trở của từng người lãnh đạo.

Muốn vậy, phải giảm đi những quyết định chỉ được đóng khung trong bốn bức tường hữu hình và vô hình, hòa nhịp với một xã hội mênh mông và mạnh mẽ, phong phú và đa chiều ấy. Đừng để chuyện xây dựng đô thị văn minh chỉ là của những thị dân, chuyện xây dựng nông thôn mới chỉ là của những người nông dân, cũng như chuyện sản xuất, kinh doanh chỉ là của cộng đồng doanh nghiệp. Đừng quanh quẩn “ta với mình” trong các hội nghị, trong các bản kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Phải hướng đến và tạo ra một xã hội năng động, trong đó, dân với dân cùng ngồi với nhau sôi nổi bàn chuyện nhà, luận chuyện làng xóm, chuyện liên kết mần ăn tử tế, hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống - Vai trò chủ yếu của những tổ nhân dân tự quản cộng đồng là vậy, những hội quán là vậy.

Nhiều chuyên gia tư vấn, nhà khoa học, nhà đầu tư đến từ bên ngoài đã “tự nhận” mình là người Đồng Tháp. Họ mang đến cho chúng ta nhiều ý tưởng mới mẻ, những điều mà nếu cứ mãi “mình với ta” sẽ không phát hiện ra được. Có chuyên gia lặn lội đến từng mảnh vườn để thuyết phục nông dân về lợi ích của VietGAP, GlobalGAP, nhờ đó mà xoài, nhãn, chanh, ổi... được vào các hệ thống phân phối lớn và còn được “xuất ngoại” nữa. Có chuyên gia cặm cụi đồng hành với các bạn trẻ để hun đúc ý chí, nhờ đó mà Đồng Tháp đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp. Có nhà khoa học đến giúp xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, nhờ đó bà con Mỹ Hòa, Phú Cường giảm chi phí sản xuất được sáu bảy trăm đồng trên mỗi ký lúa. Sự cộng hưởng sức mạnh là vậy.

Muốn một xã hội “chung tay, góp sức” như những khẩu hiệu giăng khắp phố phường, đường quê, thì phải xây dựng cho được “niềm tin xã hội”. Chỉ khi có niềm tin và được trao quyền một cách trân trọng, xã hội sẽ thay đổi, nhiều người sẽ tham gia hiến kế và tự mình chủ động hành động. Hành động một cách tự nguyện bao giờ cũng mang lại kết quả cao hơn là theo mệnh lệnh hành chính. Đó chính là tư duy: “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Một địa phương phát triển phải hướng tới sự kích hoạt cùng lúc ba đỉnh của tam giác: “Chính quyền - Doanh nghiệp - Người dân”, trong đó sứ mạng của chính quyền là kiến tạo ra môi trường để doanh nghiệp và người dân phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mình. Đội ngũ lãnh đạo phải thẩm thấu triết lý “tam giác phát triển” để biết trân trọng những hoạt động của xã hội, biết chắt chiu từng điểm sáng trong xã hội.

Đây đó chợt nghe ở cơ sở cán bộ lãnh đạo tỏ ra quan cách sao tự nhiên thấy nặng lòng. Những bài học “công bộc của dân” đâu rồi? Những khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân”, “hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” đâu rồi? Mới đảm trách nhiệm vụ này, chức vụ kia đã mang trong mình tư tưởng “làm quan” rồi! Trong nội bộ thì quan liêu mệnh lệnh, ngoài xã hội thì quan cách xa dân. Đã xa dân thì sao nắm bắt và học được những ý tưởng hay từ dân? Làm sao mà cảm nhận được sức mạnh lớn lao từ những người dân bình dị nhưng đầy trí tuệ? Đã xa dân thì dân xa mình - Bài học này luôn mang giá trị đâu chỉ riêng ở một giai đoạn lịch sử nào, một địa phương hay quốc gia riêng biệt nào!?!

Thái độ của chúng ta như thế nào thì hành động như thế đó! Trong khi cả xã hội đang hừng hực khí thế của một cuộc cách mạng mới mang tên “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, thì đâu đó không ít những tiếng thở dài. Nào là, không ai làm giàu bằng nông nghiệp cả! Nào là, càng trồng lúa càng nghèo! Nào là, ở tỉnh này thành phố kia có dự án ngàn tỷ, nộp ngân sách còn hơn thu nhập từ vài ba triệu tấn lúa rồi! Nghe thật là chạnh lòng! Mới “ra trận” mà ngó ngang, ngó ngửa rồi. Thay vì than vãn, sao không đến từng mảnh vườn, thửa ruộng để cùng người nông dân gỡ từng nút thắt; sao không đến từng doanh nghiệp để cùng khơi thông những điểm nghẽn đâu đó. Người đứng đầu mà còn phân tâm thì cả hệ thống và xã hội đâu còn điểm tựa để hướng đến mục tiêu đã hoạch định!?!

Nhiều chuyên gia đã chứng minh rằng, có thể không giàu từ “sản xuất nông nghiệp” nhưng có thể giàu từ “kinh doanh nông nghiệp”. Đã có ý tưởng về “Hợp tác xã canh tác lúa lý tưởng”, sản xuất lúa bằng ứng dụng “nông nghiệp thông minh”, chế biến gạo có thương hiệu và đưa ra thị trường bằng thương mại điện tử. Đã có mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã Mỹ Xương cho thấy cách tiếp cận mạng xã hội để kinh doanh. Đã có bà con Sa Đéc đang háo hức chuẩn bị cho ra đời mô hình du lịch cộng đồng (homestay), để mai này người của “Làng hoa trăm tuổi” không chỉ làm giàu bằng những bội hoa, chậu kiểng, mà hơn thế nữa: bằng giá trị gia tăng bền vững hơn do du lịch mang lại.

Trong khi nền kinh tế tri thức vẫn còn mơ màng trong bạn trong tôi, thì ngoài kia cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, với nào là trí tuệ nhân tạo, nào là internet kết nối vạn vật..., đã như làn sóng mới cuộn trào. Một cuộc cách mạng được dự báo người giàu càng giàu hơn nhờ vào tri thức, vào trí tuệ, vào tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ. Ngược lại, nếu chỉ chăm bẳm vào kinh nghiệm bao đời, vào sự cần cù, lủi thủi một mình, người nghèo sẽ nghèo hơn, sẽ bị bỏ lại trên con đường tiến tới sự thịnh vượng.

Không ai làm thay chúng ta được nếu chúng ta không chủ động với sự thay đổi. Nếu cứ mãi chần chừ do dự thì chúng ta sẽ lững thững về đích trong tốp cuối của cuộc đua. Ngược lại, với niềm tin mạnh mẽ, với khát vọng cháy bỏng, bằng hành động quyết đoán, bằng tư duy nhạy bén, trước hết là của các cấp lãnh đạo, nhất định chúng ta sẽ về đích ở tốp đầu.

Ngoài kia, “những làn gió xuân đang thổi và những ngọn sóng đang trào dâng”. Chúng ta có quyền kỳ vọng nào tương lai tươi sáng hơn nữa của quê hương Đồng Tháp Sen hồng!

Lê Minh Hoan

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn