“Con ông cháu cha”

Cập nhật ngày: 22/09/2016 14:29:25

Chưa bao giờ dư luận lại bức xúc việc bổ nhiệm người thân làm cán bộ lãnh đạo, quản lý như thời gian gần đây. Cha, mẹ bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ… Thế mới thấy, câu truyền miệng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ” không sai chút nào.

Tất cả các trường hợp nêu trên đều được những người liên quan lý giải đã làm đúng quy trình, không có gì khuất tất. Nếu các cơ quan chức năng có kiểm tra, xác minh cũng rất khó có thể kết luận khác với những lời thanh minh, biện bạch ấy. Bởi không ai dại gì làm sai quy trình. Cũng lựa chọn quy hoạch, đưa đi đào tạo, luân chuyển,… rồi mới bổ nhiệm, đề bạt. Bước nào cũng được cấp ủy, thường vụ bàn bạc, thống nhất, quyết định. Công bằng mà nói, thực tế cũng có những con em cán bộ xứng đáng được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn đồng tình ủng hộ những trường hợp như thế, nếu họ là người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức thật sự, lo được việc Đảng, việc dân.

Vấn đề dư luận bức xúc là, những trường hợp “con ông, cháu cha” được bổ nhiệm gần đây là do quy trình hình thức, sắp đặt mà nên (chưa kể đến trường hợp làm sai quy trình, cố tình áp đặt). Nếu không phải người nhà của lãnh đạo, làm sao có thể lọt vào các quy trình ấy dễ dàng như vậy. Thực chất không ít trường hợp là sự thỏa thuận, chỉ đạo miệng của người đứng đầu có người thân được bổ nhiệm, đề bạt với cán bộ thuộc quyền. Nhiều người không đồng tình, nhưng vẫn phải đồng ý vì nể nang, e ngại, “con của sếp, người nhà của sếp”. Thế nên, các quy trình dù quy định chặt chẽ đến mấy vẫn dễ dàng được thông qua.

Cách bổ nhiệm như thế làm sao chọn được người có tài, có đức để gánh vác việc nước, thay vào đó chỉ làm mất lòng tin của nhân dân, làm thui chột động lực của cán bộ có năng lực thật sự. Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết những người làm công tác cán bộ phải công tâm, đặt lợi ích của Đảng, đất nước lên trên hết; phải đấu tranh với chính mình để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, nhất là phải can gián đối với những trường hợp như vậy. Đồng thời, họ cần giữ vững nguyên tắc, Đảng lãnh đạo công tác cán bộ; cấp ủy các cấp nêu cao vai trò tập thể, thực hiện đầy đủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ một cách thực chất.

Vừa giữ vững vai trò tập thể lãnh đạo, vừa phát huy cao độ trách nhiệm của từng cấp ủy viên, kiên quyết đấu tranh chống nhóm lợi ích, bênh vực người nhà, người thân khi làm quy trình bổ nhiệm cán bộ, vì mục tiêu chung là tìm người đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao. Khi ấy sẽ phát huy được tinh thần đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, ngăn chặn được ý đồ cá nhân. Mặt khác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên ngay từ khâu đánh giá, quy hoạch; thực hiện nghiêm túc các bước khi bổ nhiệm cán bộ, từ lấy phiếu giới thiệu, thăm dò tín nhiệm, đến lấy ý kiến nơi cư trú, công khai, mở rộng đối tượng đánh giá đối với cán bộ định bổ nhiệm.

Cần có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời để răn đe, ngăn chặn tư tưởng “hậu duệ” trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng này; nói đi đôi với làm. Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Thí điểm chế độ tập sự lãnh đạo quản lý, sau sáu tháng, hoặc nhiều nhất là một năm, nếu cán bộ mới bổ nhiệm không đảm đương được công việc thì cho thôi; thực hiện bổ nhiệm lại đúng quy định.

Việc giới thiệu nhân sự nên theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; mở rộng chế độ thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; giám sát chặt chẽ quy trình bổ nhiệm cán bộ, ngăn chặn bằng được quy trình hình thức, sắp đặt.

Theo Nguyên Văn/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn