Người dân đồng tình với việc chuyển giao các nhiệm vụ hành chính công

Cập nhật ngày: 24/10/2018 10:34:59

ĐTO - Qua 2 tháng triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công (DVHCC) của tỉnh cho ngành bưu điện đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC).


Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bưu điện huyện Thanh Bình

Hướng đến việc xã hội hóa DVHCC

Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ DVHHC triển khai nhằm giúp tỉnh tinh giảm biên chế, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, khai thác hiệu quả mạng bưu chính công ích do Nhà nước đầu tư, góp phần đẩy mạnh CCHC, xã hội hóa các DVHCC và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

UBND tỉnh phối hợp với ngành Bưu điện để tận dụng trụ sở và nhân viên bưu điện trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, TTHC. Giai đoạn 1 của Đề án được triển khai từ ngày 1/8 - 1/10, cấp tỉnh thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh; cấp huyện thực hiện tại 2 huyện Thanh Bình, Tam Nông và cấp xã thực hiện tại các xã: Tân Long, Tân Thạnh (huyện Thanh Bình), Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự).

Để nhân viên bưu điện thực hiện tốt việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, TTHC cho người dân, tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tiếp nhận và trả kết quả, bố trí cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả các cấp trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp cho nhân viên bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua 2 tháng triển khai giai đoạn 1 của Đề án, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 1.500 hồ sơ, TTHC cho các tổ chức, công dân và đã giải quyết hơn 1.200 hồ sơ. Trong đó, cấp tỉnh giải quyết hơn 500 hồ sơ và cấp huyện giải quyết hơn 700 hồ sơ. Các hồ sơ, TTHC đều được giải quyết đúng theo quy định.

Nhiều hiệu quả từ việc triển khai Đề án

Theo UBND huyện Thanh Bình, việc thực hiện Đề án đã tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của người dân khi thực hiện TTHC thông qua sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, được người dân hài lòng. Qua sơ kết giai đoạn 1 của Đề án, huyện triển khai thêm các lĩnh vực đăng ký: hộ tịch, kinh doanh, nông nghiệp, cấp phép xây dựng để nâng số TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Bưu điện huyện lên 8 lĩnh vực trong giai đoạn 2.

Ông Huỳnh Văn Trãi ngụ ấp 3, xã An Phong đến Bưu điện huyện Thanh Bình thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai cho biết: “Tôi thấy Bưu điện tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho người dân rất hay. Đến đây tâm lý rất thoải mái, không bị gò bó, nhân viên thì rất vui vẻ, gần gũi và hướng dẫn tận tình, chu đáo nên tôi thấy hài lòng”.

Ông Phan Văn Kiệt - Giám đốc Bưu điện 2 huyện Thanh Bình và Tam Nông cho hay, thời gian tới sẽ tham mưu Bưu điện tỉnh và ngành chức năng liên quan để giải quyết TTHC tại bưu điện theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: tiếp nhận hồ sơ tại chỗ; kiểm tra, hướng dẫn kê khai hồ sơ tại chỗ; kiểm soát hồ sơ tại chỗ và trình ký tại chỗ để giải quyết TTHC nhanh chóng cho người dân.

Người dân ở huyện Tam Nông cũng đánh giá cao việc tiếp nhận và trả kết quả triển khai tại Bưu điện huyện. Chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Phú Thọ cho biết: “Tôi thấy việc triển khai giải quyết TTHC ở Bưu điện rất tốt, giúp cho người dân không còn tâm lý e ngại như đến cơ quan nhà nước làm thủ tục”.

Qua Đề án, các địa phương đã tận dụng cơ sở vật chất của hệ thống bưu điện, từ đó giảm chi phí đầu tư cho ngân sách. Mặt khác, nhân viên bưu điện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cũng góp phần giảm tải khối lượng công việc và giảm số công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa ở các đơn vị. Thực hiện giai đoạn 1 của Đề án đã giảm được 12 công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả. Trong đó, cấp tỉnh giảm 5 người; cấp huyện giảm được 7 người.

Đối với ngành Bưu điện qua thực hiện Đề án tận dụng và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất của hệ thống bưu điện, các Bưu điện văn hóa xã được duy trì và phát triển. Ngoài ra, ngành cũng đã quảng bá và triển khai các dịch vụ bưu chính công ích đến người dân. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công tỉnh, trong tháng 8/2018 số lượng hồ sơ của người dân thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích đối với các TTHC được chuyển giao tăng trên 1,6% so với mức bình quân trong tháng 7, trong tháng 9/2018 tăng hơn 2% so với tháng 8.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho Đề án

Theo đánh giá của UBND các địa phương, ban đầu triển khai Đề án gặp khó khăn do nhân viên bưu điện chưa có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở các lĩnh vực chuyển giao nên cán bộ chuyên môn phải mất nhiều thời gian hướng dẫn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, ở tuyến Bưu điện văn hóa xã, đa số nhân viên chỉ tốt nghiệp THPT và họ phải đảm nhận nhiều việc nên công tác hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả còn hạn chế. Cơ sở vật chất, hạ tầng của hệ thống bưu điện chật hẹp, xuống cấp, đòi hỏi Bưu điện và UBND các cấp phải có giải pháp phù hợp để khắc phục.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho hay: “Giai đoạn 1 thực hiện Đề án do thời gian ít nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất gặp khó khăn, giai đoạn 2 ngành có nhiều thời gian để chuẩn bị. Bưu điện có kế hoạch bố trí khu vực hành chính công của tỉnh tại Bưu điện và ưu tiên lựa chọn, bố trí các nhân viên có trình độ để hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC cho người dân”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã từng nhấn mạnh trong buổi triển khai Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ DVHCC rằng, Đề án là bước đột phá trong thực hiện CCHC nhằm mang lại các lợi ích cho người dân, do đó các cơ quan hành chính tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bưu điện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương quan tâm hướng dẫn và tạo điều kiện để nhân viên bưu điện hoàn thành nhiệm vụ; tích cực tham mưu đề xuất chuyển giao đối với các lĩnh vực, các TTHC khác để chuyển giao và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn