“Tiến tới “số hóa” kênh tương tác Nhà nước - công dân”

Cập nhật ngày: 18/01/2020 04:59:41

ĐTO - Đầu năm 2020, Đồng Tháp công bố và vận hành Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 (gọi tắt là 1022) để tiếp nhận, xử lý các ý kiến của công dân. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.

PV: 1022 là gì, vận hành như thế nào? Thưa ông.

Ông Nguyễn Văn Dương (N.V.D): 1022 được UBND tỉnh Đồng Tháp thiết lập và thống nhất quản lý để tiếp nhận, xử lý và trả lời các yêu cầu, thắc mắc hoặc phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp về thủ tục hành chính (TTHC), các phản ánh, góp ý, kể cả tiếp nhận các phản ánh về các hành vi sách nhiễu, chậm trễ trong quá trình thực hiện, giải quyết TTHC ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, còn cung cấp các thông tin về kinh tế - xã hội, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích như: thông tin tuyển sinh, y tế, bảo hiểm, an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, xây dựng, giao thông công cộng, vận chuyển hàng hóa, điện, nước, xử lý rác thải, phòng, chống thiên tai... Ngoài ra, còn tiếp nhận các thông tin về sự cố hạ tầng kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, điện lực, viễn thông; thông tin liên quan đến xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chất lượng vật tư nông nghiệp; vi phạm xây dựng, đất đai... và các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, về các khu công nghiệp; thông tin về du lịch; các sự kiện đặc biệt của tỉnh...

PV: Để phản ánh thông tin đến 1022, người dân cần làm thế nào và bao lâu sau sẽ nhận được kết quả?

Ông N.V.D: Người dân có thể đề nghị cung cấp thông tin hoặc gửi phản ánh, kiến nghị đến Tổng đài theo một trong những cách sau: (1) Gọi điện đến số điện thoại: (0277) 1022; (2) Gửi qua Trang thông tin điện tử của Tổng đài với tên miền: 1022.dongthap.gov.vn; (3) Gửi qua địa chỉ email của Tổng đài 1022@dongthap.gov.vn; (4) Trao đổi, tương tác qua kênh Zalo official account với tên sử dụng: 1022 Đồng Tháp; và (5) qua kênh Fanpage Facebook với tên sử dụng: 1022 Đồng Tháp.

Tổng đài viên (TĐV) tiếp nhận cuộc gọi, tin nhắn sẽ trả lời ngay cho người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu về thông tin dịch vụ công và các quy định, tài liệu chính thức có liên quan đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cung cấp. Trường hợp người dân cần tìm hiểu về các hồ sơ TTHC cụ thể, chuyên sâu, phức tạp thì TĐV sẽ nối máy đến công chức một cửa của 17 sở, ngành tỉnh tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công, hoặc Bộ phận Một cửa của 12 huyện, thị xã, thành phố. Đối với trường hợp phức tạp, TĐV sẽ trực tiếp trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện chuyển nội dung tiếp nhận (có ghi âm) đến các cơ quan đó để xử lý theo quy định và 1022 sẽ phản hồi cho người dân trong thời gian sớm nhất. Các thông tin này đều được lưu chuyển qua Hệ thống phần mềm để đến cán bộ đầu mối của các cơ quan, đơn vị, địa phương biết, xử lý và sẽ trả lời trong vòng 8 giờ làm việc hoặc 48 giờ làm việc tùy từng trường hợp cụ thể.

PV: Vì sao đã có rất nhiều kênh cả online lẫn offline để tiếp nhận xử lý thông tin, nhưng Đồng Tháp lại thành lập Tổng đài 1022 và việc mở rộng này có làm gia tăng bộ máy vận hành và có làm “lộ” thông tin?

Ông N.V.D: Hiện nay, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng số điện thoại cố định hoặc di động để tiếp nhận thông tin đường dây nóng. Bên cạnh mặt tích cực, cũng đang còn tồn tại gây khó khăn cho người cần gọi vì không thể nhớ số điện thoại khi cần. Mặt khác, việc tiếp nhận và giải đáp thông tin vẫn còn mang tính thủ công và thiếu cơ sở dữ liệu về thông tin nên trả lời chưa kịp thời; chưa bố trí tiếp nhận phản ánh ngoài giờ hành chính; chưa thể tự động lưu lại thông tin để phục vụ công tác giám sát, thống kê, báo cáo, kiểm tra, đánh giá việc xử lý phản ánh, kiến nghị của các ngành, các cấp...

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều kênh khác nhau để tương tác, phản ánh như: Website, email, live chat, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, trong khi các kênh thông tin này vẫn đang rất phân tán và thiếu chuyên nghiệp nên chưa thể đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp xét thấy cần thành lập 1022 nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức được kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Việc thành lập 1022 không làm gia tăng bộ máy tổ chức và biên chế vì Đồng Tháp chủ trương thuê dịch vụ này (do VNPT Đồng Tháp cung cấp về phần cứng, phần mềm và nhân sự) để đảm bảo không bị lạc hậu về công nghệ, giảm gánh nặng đầu tư ban đầu và phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay.

Các thông tin về cá nhân, tổ chức và nội dung phản ánh kiến nghị đều được bảo mật theo đúng quy định pháp luật.

LT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn