In bài

Chuyện “vạch lá tìm sâu” trong tự phê bình và phê bình
Cập nhật ngày: 03/12/2016 08:04:48

ĐTO - Trước đây, khi chưa có thuốc trừ sâu, người trồng rau phải vạch lá tìm sâu bằng tay. Khoa học phát triển, người trồng rau phun thuốc để phòng ngừa hoặc diệt sâu. Có lúc do lạm dụng thuốc, không chỉ sâu mà cả rau đều chết. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng tự trồng rau, không sử dụng thuốc. Sâu tìm đến những luống rau xanh mướt. Để có rau sạch, người trồng lại phải vạch từng lá rau để tìm sâu.

Có được mớ rau sạch không phải dễ.

Từ chuyện bắt sâu bằng tay hay phun thuốc trừ sâu khi trồng rau, lại nghĩ đến chuyện tự phê bình và phê bình của ta.

Không ít nơi, khi phát hiện đồng chí, đồng nghiệp mình có biểu hiện vi phạm khuyết điểm, đồng chí, đồng nghiệp nhẹ nhàng góp ý riêng, như một cách phòng sâu. Trong cuộc họp kiểm điểm định kỳ hoặc đột xuất, đa số tổ chức, cá nhân thẳng thắng nhìn nhận ưu điểm, khuyết điểm của mình; người phê bình đóng góp mạnh dạn, chân tình, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm dù nhỏ nhằm xây dựng, củng cố khối đoàn kết nội bộ, để tập thể và từng cá nhân cùng hướng đến mục tiêu chung là hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, được xem như phun thuốc ngừa sâu. Nhưng cũng có trường hợp người phê bình xoáy vào những chuyện lặt vặt theo quan điểm cá nhân như tóc tai, ăn mặc hoặc liệt kê những khuyết điểm, hạn chế từ thời xa xưa của đối tượng, từ đó qui kết đối tượng thiếu phẩm chất đạo đức, năng lực, theo kiểu nhiều chuyện nhỏ cộng lại sẽ thành chuyện lớn. Nguy hiểm hơn, có người lợi dụng chủ trương của Đảng như kiểm điểm tổ chức đảng và đảng viên theo tinh thần Nghị quyết 12 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” hoặc khi giới thiệu nhân sự cấp ủy, chính quyền khóa mới, người đóng góp mới “khui” ra chuyện cũ, dẫn đến tổ chức, cá nhân bị kỷ luật do vi phạm qui định của Đảng, pháp luật nhà nước nhiều năm trước. Những đóng góp như vậy chẳng những không giúp cho tập thể, cá nhân tốt hơn, đoàn kết hơn mà còn đưa đến hệ quả tiêu cực, nếu người đóng góp là lãnh đạo có thể sẽ làm thui chột ý chí phấn đấu của cấp dưới, như vạch lá tìm sâu, phun thuốc hủy diệt. Cũng có nơi, để giữ danh hiệu trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo cơ quan, đơn vị dấu khuyết điểm, tạo điều kiện tiêu cực phát triển, theo kiểu thấy có sâu nhưng không kiên quyết phòng trị.

Một tổ chức đảng nếu không đẩy mạnh đấu tranh xây dựng nội bộ sẽ như vườn rau tươi tốt nhưng không có giải pháp phòng ngừa sâu, khi phát hiện có sâu lại phun thuốc hủy diệt hoặc vạch lá tìm sâu, đều dẫn đến hậu quả tai hại. Để xảy ra những chuyện trên, có nguyên nhân hàng đầu là chi bộ, cơ quan chưa thực hành dân chủ, chưa thường xuyên tự phê bình và phê bình.


Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều.

Đó là lẽ tất nhiên.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”.

 Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiểng, như trồng rau sạch là chuyện rất nhỏ so với chuyện xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Nhưng từ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh qua tự phê bình và phê bình, nên chăng mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng tu dưỡng, rèn luyện, phòng chống khuyết điểm từ chuyện nhỏ như trồng rau sạch; không vì nhân danh bảo vệ rau để vạch lá tìm sâu hoặc phun xịt mang tính hủy diệt?

Hữu Ý