In bài

Chủ động kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 20/10/2016 06:45:34

ĐTO - 9 tháng đầu năm, mặc dù các chỉ tiêu chưa đạt được như kế hoạch mong muốn nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nên các hoạt động của ngành công thương vẫn đảm bảo có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.


Phiên chợ Nông nghiệp xanh do Sở Công Thương phối hợp tổ chức được nhiều khách hàng quan tâm

Đầu năm đến nay, các DN tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực vượt khó, tái cấu trúc lại DN và các lĩnh vực hoạt động để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt... Nhìn chung, hoạt động sản xuất của các DN của tỉnh tuy có tăng trưởng so với cùng kỳ 2015 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, sản phẩm sản xuất tiêu thụ chậm, nhất là các ngành xay xát và lau bóng gạo, quần áo may sẵn, giày da... Các sản phẩm chủ lực của tỉnh có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ như: thủy sản đông lạnh, miến, hủ tiếu bánh tráng và các loại tương tự.

Do chịu nhiều tác động nên tăng trưởng của ngành không cao so với cùng kỳ năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 7,11%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 9,96% so với cùng kỳ năm 2015 (ước đạt 49.482 tỷ đồng). Hoạt động thương mại được duy trì ổn định, lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt, giá cả hàng hóa không biến động lớn, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Kết cấu hạ tầng thương mại dần được hoàn thiện, nhiều chợ được đầu tư nâng cấp mở rộng, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Hoạt động khuyến công ngày càng đi vào chiều sâu. Đây cũng là điểm sáng tác động tích cực đến các DN và cơ sở sản xuất trong việc tiếp cận với các quy trình, công nghệ mới để nâng cao năng suất, nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đầu năm đến nay, ngành công thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) khu vực phía Nam lần V năm 2016 cho 10 sản phẩm CNNTTB của tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm của 3 DN được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp khu vực. Từ công tác khuyến công, thông qua các chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, mô hình trình diễn kỹ thuật; xây dựng thương hiệu... đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển DN và khởi nghiệp của địa phương.

Mặc dù tình hình xuất khẩu của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng gạo do Thái Lan liên tục mở nhiều đợt xả hàng bán gạo tồn kho cùng với nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo chủ lực trên thế giới dồi dào. Nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2016 vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2015, do mặt hàng thủy sản có thị trường tiêu thụ ổn định, chiếm thị phần cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 588,5 triệu USD, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm 2015. Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 275,12 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu và một số vật tư, nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất nội địa như nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu dược phẩm, dệt may, da giày.

Hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đầu năm đến nay có sự khởi sắc, mở ra nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Công tác phát triển hạ tầng và thu hút dự án đầu tư có điểm nổi bật là Khu Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh (do Tập đoàn VinGroup đầu tư) đang triển khai xây dựng; Siêu thị Co.op Mart Sa Đéc đi vào hoạt động từ cuối tháng 7; có 11 dự án sản xuất công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đến cuối tháng 9, tổng dự án trên địa bàn tỉnh có 154 dự án của 127 DN.

Đầu năm đến nay, ngành công thương tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về DN, đồng hành cùng DN. Cụ thể, tích cực thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nổi bật là việc chủ động kết nối các DN với DN và DN với tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho chuỗi sản xuất chế biến và xuất khẩu; triển khai kế hoạch kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Sở Công Thương Đồng Tháp với Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, kế hoạch liên kết tiêu thụ trái cây giữa siêu thị Tứ Sơn với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh; tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm cho DN trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường... Từ những hoạt động thiết thực trên, ngành công thương góp phần quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Công tác quản lý thị trường luôn được ngành chú trọng, tăng cường, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại được chỉ đạo quyết liệt với sự hỗ trợ của các sở, ban ngành và địa phương.

Theo Sở Công Thương, với quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của ngành năm 2016, toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đến cuối năm ước đạt 8.936 tỷ đồng, tăng 6,55% so với năm 2015, đạt 93,84% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50.540 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2015, đạt 94,15% kế hoạch; giá trị tăng thêm ngành thương mại ước đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 9,14% so với năm 2015, đạt 97,14% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đến cuối năm đạt trên 69.000 tỷ đồng, tăng 11,69% so với năm 2015, đạt 94,9% kế hoạch; xuất khẩu hàng hóa ước đạt 776,16 triệu USD, tăng 0,18% so với năm 2015, đạt 99,51% kế hoạch.

Tại hội nghị sơ kết ngành công thương 9 tháng đầu năm 2016 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Từ nay đến cuối năm, ngành công thương tiếp tục triển khai chương trình kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của tỉnh; theo dõi, nắm bắt tình hình liên kết tiêu thụ nông sản giữa DN - DN, DN - chủ vựa, đại lý thu mua nông sản để kịp thời tham mưu, đề xuất các cơ chế tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực. Về hoạt động xuất khẩu, tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc nắm bắt thông tin thị trường; phổ biến các nội dung về những Hiệp định thương mại đã được ký kết; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa xuất khẩu...”.

T.Hiền