In bài

Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 28/09/2016 06:26:37

* Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương Đồng Tháp trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

ĐTO - Ngày 27/9/2016, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL cùng các diễn giả, nhà khoa học...

Theo Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã phần nào giúp sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL có những tín hiệu mới. Vùng ĐBSCL trở thành trung tâm chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, đóng góp 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, 53,4% sản lượng thóc, 70% sản lượng trái cây, 68,7% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây tác động tiêu cực đến môi trường, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bị âm.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học đã nhận diện đúng, sâu sắc thực trạng các vấn đề đang nóng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay và đề xuất các giải pháp để thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đồng Tháp là tỉnh tiên phong trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 ngành hàng chủ lực (hoa kiểng, xoài, lúa gạo, vịt, cá tra), mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh “hợp tác - liên kết - thị trường”, “giảm chi phí, tăng chất lượng, đẩy mạnh chế biến nông sản”, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Hiện nay, các sản phẩm của tỉnh như xoài, lúa gạo, cá tra có mặt trên thị trường nhiều nước và xây dựng được thương hiệu. Nhiều sản phẩm giá trị gia tăng được ra đời như chế biến mỡ cá thành dầu ăn; chế biến colagen, gelatin từ da cá tra; chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi...

Không nằm ngoài sự tác động của biến đổi khí hậu, Đồng Tháp nhanh chóng hoạch định trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp về thực trạng biến đổi khí hậu. Cộng hưởng với thách thức hội nhập kinh tế, Đồng Tháp “bắt tay” với các tỉnh Long An, Tiền Giang hình thành đề án liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười, trên cơ sở phát triển nơi này thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông thủy sản; nguồn nước phục vụ kinh tế xã hội trong vùng.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ấn tượng với nông sản thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp

Cũng tại hội nghị lần này, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp được các đại biểu, các nhà khoa học đề ra những hướng đi cần thiết là tổ chức lại sản xuất; gắn sản phẩm với thị trường thông qua sản xuất chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu; phát triển kinh tế hợp tác.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hành trình dài, vừa kế thừa vừa rút kinh nghiệm. Qua đó, Phó Thủ tướng biểu dương Đồng Tháp trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chọn lựa những sản phẩm chủ lực thực hiện mô hình liên kết chuỗi. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Đồng Tháp thực hiện tốt chuyển đổi cây trồng sang những nông sản có giá trị kinh tế cao và có mặt trên thị trường quốc tế, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp chính là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với định hướng đó, các địa phương cần hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, địa phương cần có những động thái cấp bách đối với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, tiến tới liên kết vùng, tiểu vùng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT trong thời gian tới chủ trì trong xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Riêng các tỉnh tiến tới quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi cây trồng trên đất lúa gắn với nhu cầu thị trường, chọn những sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi giá trị...


Lễ ký kết kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang

Tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang tiến đến ký kết kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười .

K.D