In bài

Xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” - Tầm nhìn chiến lược
Cập nhật ngày: 26/08/2015 12:33:24

Để xây dựng và hoàn thiện chuỗi ngành hàng vịt, các chuyên gia đầu ngành đã đề xuất nhiều sáng kiến hay để phát triển ngành hàng, trong đó ý tưởng xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” được đánh giá là táo bạo, thu hút được sự quan tâm từ dư luận.


Đồng Tháp tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng vịt

Theo ý kiến của ông Châu Nhựt Trung - Tổng Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ: “Đồng Tháp muốn tái cơ cấu ngành hàng vịt thì tỉnh cần có cái nhìn khách quan về tình hình phát triển thực tế của ngành hàng; hiểu rõ những thế mạnh cũng như những khó khăn mà địa phương đang vướng, để từ đó có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay trong chuỗi ngành hàng vịt, Đồng Tháp đang sở hữu những ưu thế như: có nhà máy thức ăn, người chăn nuôi lành nghề, nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp dồi dào... Tuy nhiên, tỉnh ta đang gặp khó khăn trong những khâu quan trọng như: con giống, giết mổ - chế biến, tiêu thụ”.

Ông Trung phân tích, nếu liên kết được với doanh nghiệp về cung ứng giống thì người chăn nuôi vịt sẽ tiết kiệm được khoảng 20% chi phí con giống; nếu liên kết được với công ty thức ăn thì người chăn nuôi tiếp tục giảm được 15% giá thành của thức ăn. Khi giá thành sản phẩm hạ, không những người chăn nuôi có lợi mà cả doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cũng được hưởng lợi, từ đó sản phẩm sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Để hoàn thiện ngành hàng vịt theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Tháp cần kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành về các lĩnh vực như: con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến, tiêu thụ... Khi chuỗi sản xuất được tổ chức tốt, chất lượng sản phẩm được đảm bảo thì chuyện xây dựng thương hiệu cho ngành hàng vịt chỉ là sớm muộn.

Đề xuất ý tưởng phát triển ngành hàng vịt của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông nhận định, về phương thức chăn nuôi, trước mắt nên áp dụng hình thức chăn nuôi tập trung không khép kín để tận dụng thức ăn tự nhiên, kết hợp các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phân định vùng chăn nuôi để đảm bảo về quy mô, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất nên khuyến khích chăn nuôi mô hình trang trại, có quy mô lớn (từ 5.000 con trở lên), chăn nuôi kết hợp vịt - cá hoặc vịt - lúa - cá, gắn kết với vùng sản xuất lúa tập trung để chăn thả, cùng với sử dụng thức ăn công nghiệp để tăng sản lượng, chất lượng trứng. Các hộ chăn nuôi nhỏ áp dụng biện pháp chăn nuôi chạy đồng có kiểm soát, nuôi chạy đồng trong phạm vi cho phép để hạn chế lây lan dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đúng quy định; không cho các đàn gia cầm, thủy cầm vận chuyển từ tỉnh, huyện khác vào hoặc qua vùng có thiết lập cụm chăn nuôi sạch. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các hợp tác xã chăn nuôi gắn kết với các xã nông nghiệp để liên kết trong sản xuất, chăn nuôi và đảm bảo kinh doanh ổn định, vì hiện nay đa phần người chăn nuôi đều mua các phụ phẩm nông nghiệp từ các cánh đồng và qua trung gian nên làm tăng chi phí.

Ông Phạm Cao Sơn ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có hơn 10 năm kinh nghiệm với nghề nuôi vịt chạy đồng, chia sẻ: “Hiện nay, nuôi vịt theo hình thức chạy đồng không còn lợi nhuận như xưa, người chăn nuôi phải tốn kém nhiều thứ phí “không tên”, chưa kể giá trứng lên xuống bấp bênh, lời lãi chẳng bao nhiêu. Tôi dự định chuyển sang nuôi vịt theo mô hình sinh học. Tuy nhiên, dù nuôi theo hình thức nào thì người chăn nuôi vẫn mong giá bán sản phẩm được ổn định, để có thể an tâm gắn bó lâu dài với nghề”.

Theo ý kiến của ông Như Văn Cẩn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Để giải quyết những khó khăn của ngành hàng vịt hiện nay, điểm mấu chốt đầu tiên là việc tổ chức và liên kết lại các hộ sản xuất, trên cơ sở liên kết, hợp tác lại các tổ sản xuất, hợp tác xã, người chăn nuôi mới có cơ hội tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm được đầu ra ổn định. Điểm quan trọng thứ hai là việc liên kết với doanh nghiệp, trong tổ chức các khâu đầu vào và đầu ra của ngành hàng, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt và kết nối trong chuỗi sản xuất. Hiện nay, tỉnh ta có một doanh nghiệp đang đầu tư về chế biến và giết mổ, Đồng Tháp sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực còn lại như: con giống, thức ăn, thuốc thú y...”.

Xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” là mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh đang phấn đấu hướng tới. Song, để làm được điều này là một quá trình rất dài, rất cần sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của các thành phần tham gia trong chuỗi.

Mỹ Lý