In bài

Đồng Tháp: Nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch
Cập nhật ngày: 17/12/2014 13:41:12

Hiện Đồng Tháp đang tập trung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn góp phần tạo thêm kênh tiêu thụ nông sản sau thu hoạch.

 


Công nhân xưởng bánh Thanh Thúy đang sản xuất

Trước đây, khoai môn được trồng tại vùng sản xuất hoa màu huyện Lấp Vò chỉ bán thô cho thương lái để đem tiêu thụ tại các tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. Từ khi Công ty Đức Thành GreenFood (nhà đầu tư đến từ TP.Hồ Chí Minh) gần 1 năm nay thì không chỉ khoai môn mà các loại nông sản như: bắp, ớt,... của các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông... của huyện Lấp Vò cũng được đơn vị tiêu thụ.

Với công nghệ sơ chế và đóng gói, các loại nông sản được Công ty TNHH Đức Thành GreenFood chế biến đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Australia (Úc) từ khoảng 1 năm nay, sản lượng trên 10 tấn mỗi tháng. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Đức Thành GreenFood, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò cho biết, xu thế thị trường cần sản phẩm tươi, sạch và an toàn. Do đó, công ty quyết định đặt nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu tươi sạch của đối tác. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng sản xuất để tiêu thụ nhiều hơn nông sản cho bà con.

Doanh nghiệp tham gia chế biến, giải quyết được bài toán bảo quản nông sản tươi sau thu hoạch, qua đó giải quyết một phần tình trạng ùn ứ hàng khi tới mùa thu hoạch rộ. Mặc khác, việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch cũng góp phần làm tăng giá trị nông sản và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Chị Sơn Thị Liễu ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, công nhân Công ty TNHH Đức Thành GreenFood chia sẻ: “Được làm việc gần nhà, không phải đi làm xa ở TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương mà vẫn có thu nhập khá, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Lương của tôi hiện khoảng 3 triệu đồng/tháng chưa tính tăng ca..., đời sống cũng tương đối ổn định”.


Khoai môn được sơ chế đóng gói và hút chân không

Tương tự, cơ sở Thanh Thúy tại TP.Sa Đéc cũng vừa ra đời từ chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của tỉnh. Nguyên liệu chính mà cơ sở hướng đến là bột gạo của làng bột Sa Đéc và Châu Thành. Dự kiến mỗi tháng cơ sở sẽ tiêu thụ trên 5 tấn bột để làm nguyên liệu sản xuất bánh các loại. Những tháng tiếp theo, số lượng bột tiêu thụ sẽ còn tăng hơn.

Trong thời gian qua, nguồn vốn từ Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ một phần để doanh nghiệp đầu tư máy móc ngoài ra có nhiều chính sách ưu đãi về thủ tục đầu tư, liên kết sản xuất giữa công ty với hợp tác xã, với nông dân... Tuy nhiên, nổi lên ở các doanh nghiệp đã đầu tư là các sản phẩm hàng hóa đặc thù địa phương, nên rất cần phải xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Qua đó, có thể tạo kênh tiêu thụ ổn định vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu.

Bằng những chính sách ưu đãi cụ thể, cũng như trong kế hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2030, thì Đồng Tháp vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản tại địa phương. Qua đó không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa, giá trị nông sản, giải quyết hài hòa mối quan hệ cung cầu mà còn tạo ra chuỗi giá trị mới sau thu hoạch. Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, hướng tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, liên tục tổ chức khảo sát thị trường cả trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản qua chế biến của tỉnh có nơi tiêu thụ ổn định hơn.

Thảo Vy