Viết tiếp câu chuyện miệt cồn

Cập nhật ngày: 14/11/2017 15:39:17

Vui thiệt là vui! Rồi cái ngày trông chờ cũng đến, ngày háo hức được tham dự Hội nghị thành lập “Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa”.

Thật rộn ràng, thật xúc động, thật hạnh phúc! Nhìn những gương mặt của hơn một trăm thành viên Hợp tác xã mà thấy tương lai miệt cồn là đây... Đông đủ lắm! Này là, những người nông dân. Này là, mấy doanh nghiệp, từ cung cấp vật tư đầu vào cho đến thu mua đầu ra cũng cùng mua cổ phần Hợp tác xã, lại còn được tín nhiệm mời vô luôn Ban Lãnh đạo nữa chớ! Hình như, có mấy vị lãnh đạo các cấp, các ngành cũng mua cổ phần ủng hộ nữa đó. Vậy mà hổng vui sao được???


Hội nghị thành lập Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa. Ảnh: Thành Nguyễn

Hợp tác xã hôm nay được hình thành từ trên cái nền của “Canh Tân Hội quán”. Vậy là, một hành trình bắt đầu từ lúc bà con bước ra khỏi ngôi nhà, mảnh vườn của mình để tham gia vào một không gian cộng đồng mang tên Hội quán cho đến hôm nay cũng chính những con người đó làm nòng cốt hình thành Hợp tác xã. Từ sự hợp tác thường ngày trong cuộc sống cho đến hợp tác trong sản xuất kinh doanh là một hành trình trải qua nhiều cung bậc. Con người mà, mà hổng phải là một, mà lại là hàng chục, hàng trăm người. Ông bà mình nói rồi: “Chín người mười ý”. Vậy mà, giờ đây hàng trăm người đó mà chỉ một ý: Đó là, phải hợp tác với nhau, chớ hổng thể mạnh ai nấy mần nữa; đó là, sản xuất phải tử tế, phải quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Hổng phải vậy sao bà con chọn cái tên là “Hợp tác xã nông sản an toàn”? Vậy mà hổng vui sao được?

Nghe mấy anh lãnh đạo Hợp tác xã thông qua phương án sản xuất kinh doanh mà cảm nhận được nhiều cái mới, sự tự tin và lòng khát vọng của bà con. Những tưởng chỉ có cái vụ thu mua nhãn của bà con rồi bán lại cho doanh nghiệp kiếm lợi nhuận để cuối năm chia nhau cổ tức chớ. Hổng phải chỉ vậy đâu! Hợp tác xã mần luôn cái dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào. Vậy là, từ nay bà con được mua giá thấp vì nhờ mua sỉ mà lại khỏi sợ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, một nỗi lo canh cánh mỗi mùa vụ. Thì đó, đã có cô gì là doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp vô Hợp tác xã rồi. Rồi, Hợp tác xã khỏi phải chạy vạy tìm kiếm thị trường vì có mấy anh gì đó là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cũng vô Hợp tác xã mình ngồi ngay kia kìa. Mấy ảnh còn nói, ngoài chuyện đưa trái nhãn quê mình vượt đại dương qua tận bên kia trái đất, sắp tới sẽ có chiến dịch để quảng bá, mở rộng thị trường trong nước với 90 triệu người tiêu dùng nữa. Vậy mà hổng vui sao được?

Mà đâu phải dừng lại ở dịch vụ “mua tận gốc, bán tận ngọn” vậy thôi đâu. Hơp tác xã tính mua xe vận chuyển nhãn và các loại nông sản khác, rồi trồng rau sạch dưới tán nhãn, nuôi ong trên tán cây nhãn nữa. Rồi còn mần tiếp cái vụ bảo quản chế biến trái nhãn nữa nè. Ngoài ra, Hợp tác xã còn mở ra nhiều dịch vụ nghe qua hổng thấy có liên quan gì đến trái nhãn. Nào là, xây hồ bơi, sân thể thao cho thuê. Nào là, tham gia đấu thầu quản lý và khai thác chợ, làm vệ sinh môi trường nông thôn, sản xuất nước sạch đóng chai, làm du lịch miệt vườn. Rồi còn tham gia bán bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên mới ghê chớ! Vui là vui, nhưng cũng lo cho bà con làm nhiều quá hổng biết có xuể không đây. Nhưng bà con tính toán cả rồi. Làm từng bước một, từng bước một... Đúng quá rồi, người dân có thể kinh doanh tất cả những gì Nhà nước không cấm mà, mắc mớ gì hổng mần? Chưa biết thì đi học có kiến thức để mần. Chưa biết thì hỏi mấy ông chuyên gia mà mần. Rồi ban, ngành, đoàn thể đâu có bỏ người nông dân đâu! Vậy mà hổng vui sao được?

Vui là vui, mà nói nào ngay, cũng còn nhiều ưu tư. Nghe anh doanh nghiệp nói nhãn xứ mình người ta mua giá thấp hơn nhãn của Cần Thơ, Vĩnh Long. Rồi ảnh còn cung cấp thông tin là ở miền núi Sơn La người ta cũng đang trồng nhãn trên vùng đất đồi ngon lắm. Vậy thì, ăn thua nhau nằm ở chỗ chất lượng rồi chớ gì?!? Vậy làm gì thì làm, Hợp tác xã phải giúp cho bà con thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thậm chí tìm giống mới tốt hơn để trái nhãn quê mình ngon hơn, sạch hơn, tóm lại, là phải chất lượng hơn.

Nhìn bà con đứng trang nghiêm chào cờ trước bàn thờ Bác Hồ mà thấy thật xúc động. Ý thức công dân của bà con mình cao lắm. Rồi lại nhìn hàng trăm bà con xếp hàng nghiêm chỉnh lần lượt đi bỏ phiếu bầu ra mấy vị lãnh đạo Hợp tác xã mà thấy dạt dào niềm tin yêu với những con người miệt cồn. Để có được ngày này, nghe nói bà con đã ngồi lại với nhau không biết là bao nhiêu lần để bàn ra - góp vào. Rồi chuyên gia đến từng nhà khảo sát, rồi đưa ra ý tưởng để bà con quyết định. Nhớ lại, hình như đâu đó để đủ tiêu chí nông thôn mới nên “a thần phù” mà làm. Người nông dân vô hợp tác xã mà còn lơ tơ mơ về ý nghĩa, mục tiêu, triết lý, lợi ích... Ngay cả trong hệ thống ở đâu đó cũng hiểu mang máng luôn. Vậy là, khiên cưỡng, vậy là “vú ép”. Còn lần nầy, bà con dành cả mấy tháng trời, từ đi tập huấn cho đến cùng nhau thảo luận nào vòng rộng, nào vòng hẹp, rồi từ trong hệ thống cho đến ra ngoài dân. Nhờ vậy mà hôm nay mới có được phương án sản xuất kinh doanh bài bản, được sự đồng thuận của tất cả, là ý chí của tất cả chớ hổng phải chỉ của một nhóm người nào đó.

Nói nào ngay, định đặt tựa cho bài này là “Viết tiếp câu chuyển cổ tích ở miệt cồn”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại đâu có cổ tích gì ở đây?!? Toàn là người thật việc thật không mà, mới có hơn một năm kể từ ngày ra đời “Canh Tân Hội quán” thôi mà! Vậy là, vẫn những người nông dân thân thương quê tôi, một khi đã được thông suốt, đã được phà hơi ấm, đã được truyền cảm hứng, thì đã tự đứng trên đôi chân của mình rồi. Nhưng tất cả phải tiếp tục sát cánh với bà con mình nhe. Đừng có vỗ tay, liên hoan rồi ra về đường ai nấy đi. Chơi như vậy thì chơi với ai phải hông? Hãy nhớ rằng, nâng thuyền hay lật thuyền cũng ở bà con mình đó nhe!

Người nông dân xứ cồn An Hòa tiếp tục tiên phong như ngày nào đã dũng cảm tham gia thành lập Hội quán đầu tiên - mô hình tập hợp sức mạnh người dân hướng tới sự thay đổi chính cuộc sống của họ. Ra về mà nhớ hoài những ca từ, giai điệu: “Đường lớn đã mở đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.

Xích Lô

Gửi bình luận của bạn