Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo nguyên tắc “Tất cả cùng thắng”

Cập nhật ngày: 22/09/2017 11:43:20

ĐTO - Chiều ngày 21/9, tại TP.Cao Lãnh, UBND 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An tổ chức Hội thảo góp ý Đề án khoa học “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo

Đề án có sự tham gia đóng góp của lãnh đạo 3 tỉnh, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Từ những ý kiến của các đại biểu là cơ sở giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ phê duyệt.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn - Trường Đại học Cần Thơ trình bày 5 chương trình trọng tâm của Đề án: cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản của tiểu vùng Đồng Tháp Mười; phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và điện; cơ chế - tổ chức và chính sách liên kết, kêu gọi đầu tư.


Quang cảnh hội thảo

Theo đó, kết quả kỳ vọng đến năm 2030 chuỗi giá trị của ngành hàng nông sản chủ lực (gạo, xoài, khóm và cá tra) được cải tiến, giá trị sản phẩm được tăng lên và có thương hiệu gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi, điện trong tiểu vùng phát triển, nối kết thông suốt giữa các địa phương trong tiểu vùng và giữa tiểu vùng với hệ thống dịch vụ hậu cần xung quanh phục vụ cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, sẽ nối kết Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và các khu bảo tồn khác trong tiểu vùng thành hệ thống khu đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười, có chức năng sinh thái đặc trưng, đa dạng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc “Tất cả cùng thắng”. Trên tinh thần đó sẽ tối ưu hóa hiệu quả sản xuất cũng như gia tăng khả năng chống chịu rủi ro.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn kết quả mang lại của Đề án vừa giúp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong chuỗi giá trị vừa mang lại những hoạt động liên kết đặc trưng nổi bật cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười, khắc chế được những điểm yếu do không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.  

Góp ý cho Đề án, các nhà khoa học đề xuất đơn vị tư vấn cần xác định sản phẩm chiến lược. Đồng thời phải xác định thị trường đối với từng sản phẩm. Trên tinh thần đó, điều quan trọng nhất chính là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư và cần tìm ra những doanh nghiệp, doanh nhân tìm được thị trường.

Ngoài ra, việc huy động nguồn vốn tư nhân, "dồn điền đổi thửa", thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, hiện đại hóa chuỗi giá trị, thúc đẩy hệ thống giao thông đa phương thức… sẽ là những nhân tố hình thành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị thực phẩm trong nông nghiệp.

Đối với việc phát triển du lịch cần được mở rộng và kết nối các tuyến du lịch khác tạo thành chuỗi, từ đó tạo điểm nhấn để thu hút du khách.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ, điều quan trọng nhất trong thực hiện đề án chính là 3 tỉnh hiểu được giá trị cốt lõi, tinh thần của việc liên kết. Theo đó, động lực để phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười không phải là mảnh ghép hạ tầng, nông nghiệp,… mà chính là phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước làm nền tảng, điều kiện gắn kết tiểu vùng.

Y DU

Gửi bình luận của bạn