Kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển ấn tượng

Cập nhật ngày: 18/07/2017 07:04:37

ĐTO - Từ đầu năm, mặc dù được dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, song bằng những chương trình hành động cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục có bước phát triển ấn tượng.


Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nhân rộng trên địa bàn tỉnh

Hướng đến phát triển theo chiều sâu

Mặc dù so với cùng kỳ những năm trước, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng thấp, chỉ 1,64%, song theo nhận định của lãnh đạo tỉnh, nền nông nghiệp địa phương đang có bước chuyển dịch phát triển theo chiều sâu. Các ngành hàng chủ lực đang khai thác được đúng tiềm năng và lợi thế của mình.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa như: sử dụng phân bón thông minh; cày vùi phân bón; cấy lúa bằng máy, giảm giá thành sản xuất... Từ những mô hình này đã góp phần làm giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg. Mặc dù sản lượng lúa trong 6 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ nhưng với sự tham gia liên kết tiêu thụ của 53 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã góp phần ổn định giá lúa, tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực cây ăn trái, Đồng Tháp tiếp tục tổ chức lại việc sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, rải vụ. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng trái xoài nhằm giữ vững thương hiệu niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời thông qua việc củng cố, phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất để liên kết với các nhà vựa, DN xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác tiêu thụ ổn định lâu dài.

Ở ngành hàng hoa kiểng, tỉnh đã tập trung đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) cho khâu sản xuất giống hoa kiểng, nhiều giống hoa mới được lai tạo góp phần đa dạng về chủng loài, màu sắc, hương thơm. Đây là nền tảng để ngành hoa kiểng gắn kết với phát triển du lịch, từ đó góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng này.

Đến nay, toàn tỉnh có 32/119 xã đạt tiêu chí NTM (tăng 2 xã so với cuối năm 2016). TP.Sa Đéc đủ điều kiện xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đi vào cuộc sống và phát huy được vai trò chủ thể, tinh thần hợp tác của người dân ngày càng thể hiện rõ nét với nhiều mô hình tương trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ thoát nghèo đã và đang thực hiện hiệu quả . Nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, xã hội hóa góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tình hình sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá, nhiều DN chủ động đẩy mạnh ứng dụng KHCN để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản như: chiết xuất tinh dầu cám gạo, chiết xuất tinh chất từ cây sen để sản xuất sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản (sữa sen, nấm rơm sạch, xoài sấy, bánh tráng xoài, mãng cầu xiêm sấy...), góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,97%.

6 tháng đầu năm nay cũng đánh dấu sự thành công của ngành du lịch. Nhờ đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch đã thu hút được trên 1,7 triệu lượt du khách (40 ngàn lượt khách quốc tế), tăng 7,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển DN và đầu tư phát triển, từ đầu năm đến nay, do địa phương tập trung nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN, tỉnh đã kêu gọi, tiếp và làm việc với 46 DN, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh. Qua đó, đã thu hút 20 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký gần 2.600 tỷ đồng (trong đó có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 1.000 tỷ đồng đang tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp. Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn và tư vấn chính sách tín dụng cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa... Qua đó, có 182 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 888 tỷ đồng.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm

Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ; hỗ trợ nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác, trọng tâm là các HTX tham gia chuỗi ngành hàng. Khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Nhằm tạo cầu nối gắn kết nhà sản xuất và người tiêu thụ, Đồng Tháp sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các phiên chợ Nông nghiệp xanh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo sự gắn kết giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản với người tiêu dùng; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các hội, câu lạc bộ ngành hàng; triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Phối hợp thực hiện hoàn chỉnh Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp - Tiền Giang - Long An).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung nguồn lực nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp thông qua các hoạt động như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN và lập nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN đổi mới công nghệ sản xuất, bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu và phát triển thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các sản phẩm có khả năng xuất khẩu và các sản phẩm từ làng nghề truyền thống...; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô cấp vùng.

Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình người dân tương trợ thoát nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phấn đấu đến cuối năm có trên 1.000 lao động xuất cảnh.

Đồng Tháp cũng sẽ tập trung nhiều giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục triển khai việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và có giải pháp khuyến khích người dân, DN sử dụng; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần PCI, PAPI, PAR Index, ICT nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ và thực hiện tốt vai trò chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng DN và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên thực hiện trong những tháng cuối năm.

Minh Nhật

Gửi bình luận của bạn