Mùa mưa đề phòng bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 26/05/2017 10:28:48

ĐTO - Tính từ đầu năm đến ngày 14/5/2017, toàn tỉnh xảy ra 941 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 72 ca nặng và có 2 ca tử vong tại huyện Tháp Mười và Hồng Ngự. Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh SXH sẽ tăng từ cuối tháng 5 và tăng mạnh nhất vào tháng 10.


Phun xịt hóa chất diệt muỗi. Ảnh: M.XUYÊN

Các địa phương có số ca mắc SXH nhiều hiện nay là TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình. Để phòng, chống bệnh SXH, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai công tác phòng bệnh SXH đến huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng bệnh, điều trị SXH cho hơn 80 cán bộ y tế tuyến cơ sở; kết hợp ngành y tế tuyến huyện, thị, thành phố tổ chức phun xịt hóa chất, xử lý 384 ổ dịch; tổ chức đo mức độ côn trùng, vận động người dân diệt lăng quăng.

Ngoài xử lý các ổ dịch, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng đã đồng loạt thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 năm 2017. Trong chiến dịch, các địa phương còn tư vấn vãng gia cho hộ gia đình, đôn đốc các gia đình diệt lăng quăng; tập huấn phòng tránh muỗi đốt cho các cô giáo tại các nhóm trẻ cộng đồng, nhà trẻ tư thục.

Bác sĩ Chuyên khoa II, Dương Ân Hận - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện trung bình mỗi tuần toàn tỉnh có khoảng 50 ca mắc SXH. Ai cũng biết SXH là bệnh do muỗi truyền, muốn phòng bệnh phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt bằng nhiều biện pháp... Hiện nay, hầu hết tâm lí người dân rất sợ bệnh SXH, ý thức về phòng bệnh SXH tăng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh, chỉ khi có ca mắc SXH xảy ra gần khu vực nhà ở thì người dân mới sợ và phòng bệnh, hoặc khi đã mắc bệnh vẫn còn tâm lí cho là bệnh không nghiêm trọng nên chậm đến cơ sở y tế điều trị nên dẫn đến trường hợp bệnh trở nặng”.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 8. Tăng cường giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát mật độ côn trùng, lăng quăng, giám sát virus gây bệnh để dự báo sớm; đồng thời xử lý triệt để đối với những ổ dịch tránh lây lan rộng; phun xịt hóa chất diện rộng để diệt muỗi.

Để đảm bảo sức khỏe, phòng, chống dịch SXH, Bác sĩ Dương Ân Hận khuyến cáo, các gia đình nên diệt lăng quăng bằng cách hàng tuần dành một ít thời gian dọn dẹp quần áo, chăn màn gọn gàng không cho muỗi có nơi trú ẩn; đổ các vật chứa nước xung quanh nhà, cọ rửa các lu, hủ, khạp để diệt lăng quăng; ngủ mùng kể cả ban ngày và nên áp dụng nhiều biện pháp để phòng tránh muỗi đốt một cách tốt nhất; khi có dấu hiệu của bệnh SXH như: sốt kéo dài, nhức đầu,... hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

MỸ XUYÊN

Gửi bình luận của bạn