Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 25/05/2017 06:40:21

ĐTO - Với sự tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề và các kiến thức khởi nghiệp (KN), kinh doanh từ các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), nhiều phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng KN. Bằng sự năng động, nhạy bén, khéo tay, chịu khó, các chị đã làm ra những sản phẩm đặc trưng riêng, nhưng không kém phần sáng tạo, độc đáo.

Cơm cháy chà bông Thùy Linh

“Cơm cháy chà bông Thùy Linh” là sản phẩm KN của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Bé (SN 1982) và Lữ Như Cường (SN 1978) ngụ ấp Long Thạnh B, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.

Trước đây, vợ chồng chị Bé chỉ có “hai bàn tay trắng”, tài sản là chiếc xe honđa cũ do cha mẹ cho. Hàng ngày, anh Cường mua cơm cháy chà bông (CCCB) đi bán dạo, còn chị Bé làm bánh đúc đem ra chợ bán. Sau nhiều năm bôn ba mua bán, đồng lời ít ỏi không đủ sống, vợ chồng chị bàn nhau tìm tòi, nghiên cứu tự làm CCCB để không phải qua trung gian của các cơ sở khác.

Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, nên không ít lần anh chị thất bại, phải bỏ cơm cho heo ăn. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi cách làm cơm cháy của một cơ sở tại Vĩnh Long, anh chị về làm theo. Ban đầu, anh chị làm khoảng 30 miếng, đem bán cho một số khách hàng quen trước đây dùng thử, qua góp ý của khách, vợ chồng chị Bé điều chỉnh thêm, đến khi khách hàng khen ngon mới an tâm.


Nhờ siêng năng, chịu khó, tìm tòi học hỏi, chị Nguyễn Thị Bé bước đầu thành công với thương hiệu “Cơm cháy chà bông Thùy Linh” 

Năm 2016, vợ chồng chị Bé gom hết số tiền dành dụm được khoảng 10 triệu đồng, đầu tư mua dụng cụ, nguyên liệu; Hội LHPN xã Long Khánh A giới thiệu cho chị tham gia vào Tổ phụ nữ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, từ đó anh chị có thêm vốn mua nguyên vật liệu tại các điểm bán hàng lớn với giá sỉ, nên giảm được chi phí, lợi nhuận khá hơn.

Đến nay, sau 6 tháng hoạt động, CCCB Thùy Linh ngày càng được nhiều người biết đến.

Đầu năm 2017, sản phẩm “CCCB Thùy Linh” được Hội LHPN huyện Hồng Ngự hỗ trợ làm được giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh, sản phẩm được đưa đi giới thiệu tại các hội chợ, được nhiều khách hàng tin dùng, số lượng bán ra ngày một tăng.

Nói về ý tưởng KN của mình, chị Nguyễn Thị Bé chia sẻ: “ Khi mới bắt tay vào làm CCCB, tôi gặp không ít khó khăn. Cầm miếng cơm cháy của người ta trên tay, trong đầu mình cứ thắc mắc bánh làm từ nguyên liệu gì, gạo, hay nếp? làm như thế nào... Sau nhiều lần thử nghiệm gạo không thành, chuyển sang làm bằng nếp, thấy được nhưng ăn chưa ngon, dần dần tìm hiểu điều chỉnh đến khi nhận được sự khen ngợi của khách hàng tôi vô cùng vui sướng. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán được hàng trăm miếng CCCB, những khi khách đặt nhiều, vợ chồng tôi phải thuê thêm 2 - 3 nhân công nắn bánh. Tôi dự định sẽ đầu tư thêm lò sấy, máy ép chân không để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Hy vọng, sắp tới sản phẩm của mình sẽ được bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh”.

Từ một người bán dạo, nay vợ chồng chị Bé đã làm chủ 1 cơ sở làm bánh nhỏ tại địa phương, không phải bôn ba buôn bán vất vả như trước mà lợi nhuận còn khấm khá hơn. Vừa qua, cơ sở sản xuất CCCB Thùy Linh của vợ chồng chị Bé đã được Hội LHPN huyện giúp vay 50 triệu đồng để mua máy sấy, nguyên liệu làm bánh để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Khô, mắm, nước mắm Phú Cường

Cũng giống như vợ chồng chị Bé, chị Trần Thị Lan (SN 1971) ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, trước đây làm nghề nuôi cá; do giá cá không ổn định, liên tục bị thua lỗ, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Xã Long Khánh A, nơi chị Lan sống có nhiều hộ nuôi cá lóc, cá tra... cũng gặp tình trạng thua lỗ tương tự.

Trong cái khó ló cái khôn, chị Lan chợt nghĩ, bán cá tươi lỗ, vậy mình làm khô bán. Nghĩ và làm, chị Lan bắt tay vào làm khô cá lóc, từ nguồn cá lóc gia đình nuôi, mới đầu chị Lan làm khoảng 10kg khô cá lóc, sau đó đem giới thiệu bạn bè, bà con dùng thử, nhiều người khen ngon. Chị Lan phấn khởi, quyết định gắn bó với nghề làm khô. Hiện nay, chị Lan còn làm thêm việc ủ mắm từ các loại cá sông như: cá linh, cá chốt, cá lóc...


Từng có thời gian gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, nhưng chị Lan không nản lòng và đã thành công

Sản phẩm khô, mắm cá lóc, cá linh... của chị Lan đã được nhiều khách hàng biết đến, tin dùng. Đầu năm 2017, chị Lan được Hội LHPN xã hỗ trợ làm giấy phép kinh doanh, thương hiệu “Cơ sở sản xuất khô, mắm, nước mắm Phú Cường” ra đời.

Cùng với đó, Hội LHPN huyện Hồng Ngự giúp chị vay được 50 triệu đồng mua máy hút chân không, máy đánh vảy, máy sấy, đồng thời giúp chị làm các thủ tục đăng ký thương hiệu...

Hiện nay, sản phẩm của cơ sở Phú Cường không chỉ bán tại huyện Hồng Ngự mà còn bán ở các chợ TX.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh, Sa Đéc... Lãi bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Chị Lan phấn khởi cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ làm khô bán, mong gỡ vốn do bán cá tươi thua lỗ, nhưng ai ngờ “làm thử, thành công thật”. Tôi rất cám ơn Hội LHPN xã và huyện đã hỗ trợ tôi quảng bá sản phẩm cũng như đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho lao động ở địa phương”.

Sữa sen, sữa bắp Diễm Thúy

Đó là sản phẩm KN của chị Hồ Thị Diễm Thúy (SN 1978) ngụ Cụm dân cư khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười.

Gia đình chị Thúy sống với nghề thợ hồ. Năm 2015, chị Thúy được Hội LHPN thị trấn Mỹ An vận động vào Hội, được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh. Qua đó, chị nhận thấy địa phương trồng nhiều cây sen, nhưng chủ yếu chỉ bán hạt, chứ ít ai chế biến nước uống từ sen. Ý tưởng kinh doanh sản phẩm sữa sen thôi thúc chị Thúy thực hiện.

Giữa năm 2016, chị Thúy bắt tay vào thử nghiệm nấu sữa sen. Nguyên liệu chính là sen, nước, đường phèn... khách hàng đầu tiên của chị là những người thân trong gia đình. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Thúy cho thêm một số nguyên liệu khác như sữa tươi, sữa đặc, với liều lượng vừa phải để có món sữa sen thơm ngon, có độ béo... chị mang cho chị em trong Hội LHPN xã dùng thử, được các chị trong Hội khen ngon, khuyến khích chị nấu bán.

Cuối năm 2016, chị Thúy bắt tay KN với số vốn 3 triệu đồng, chị mua nồi, bếp ga, máy xay; cộng với 1 triệu đồng vốn lưu động để mua nguyên vật liệu... Sản phẩm sữa sen của chị được chị em ủng hộ, giới thiệu cho các quán nước mua bán lại cho khách.

Sau gần 1 năm hoạt động, việc buôn bán của chị Thúy ngày một thuận lợi, đến nay trung bình mỗi tháng chị bán được trên 2.000 chai sữa sen; lãi bình quân 1.000 đồng/chai sữa.


Chị Hồ Thị Diễm Thúy bên sản phẩm sữa sen của gia đình

Chị Thúy cho biết, hiện đầu ra sản phẩm đang rất có tiềm năng, không chỉ được nhiều khách hàng tại địa phương ủng hộ mà sản phẩm của chị còn được nhiều khách hàng ở các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Bình Dương, Cà Mau đặt mua...

Hiện tại, không chỉ làm sữa sen, chị Thúy còn làm thêm sữa bắp; hai sản phẩm này đều được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn chất lượng.

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, sản phẩm sữa sen và sữa bắp của chị Thúy rất có triển vọng, sắp tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chị Thúy tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thương hiệu; tăng cường giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ cũng như hỗ trợ vốn nhằm giúp chị Thúy mở rộng quy mô sản xuất.

KIM NGÂN

Gửi bình luận của bạn