“Tiết kiệm cả con heo đất”

Cập nhật ngày: 23/02/2017 06:17:55

ĐTO - Đó là lời giới thiệu về mô hình tiết kiệm mới mà ông Nguyễn Ngọc Minh - Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” (gọi tắt là Tổ) số 13 thuộc ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông đã hào hứng khoe với chúng tôi. Hiện mô hình này vừa bắt đầu triển khai thực hiện trong Tổ với tên gọi chính thức là mô hình “Tiết kiệm cây mùa xuân”.


Ông Nguyễn Ngọc Minh Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản cộng đồng (ngồi giữa) sinh hoạt cùng các thành viên về mô hình tiết kiệm mới

Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng số 13 được thành lập vào tháng 3/2015 với 20 hộ thành viên (93 nhân khẩu). Ngoài vận động các hộ gia đình hưởng ứng và tham gia tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban quản lý Tổ còn phối hợp với các đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành viên trong Tổ tham gia các mô hình tiết kiệm nhằm giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” được phát động thực hiện trong Tổ từ tháng 8/2015, mỗi hộ tự trang bị heo đất khi tham gia tiết kiệm. Hàng ngày, tùy khả năng kinh tế, mỗi hộ sẽ tiết kiệm tiền chi tiêu, sinh hoạt để “nuôi heo đất”, số tiền dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/ngày. “Tích tiểu thành đại”, từ con số vài ngàn đồng mỗi ngày, sau vài tháng “heo” dần lớn lên đến cả triệu đồng... và được duy trì đến nay. Cuối năm 2016, tổng số tiền tiết kiệm của Tổ được trên 16 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được các hộ tự giữ lấy để chi tiêu trong gia đình, giúp đỡ phần nào cho các hộ gia đình mua bán nhỏ có vốn xoay vòng, hỗ trợ mua vật dụng học tập cho con em một số hộ thành viên khó khăn...

Theo Ban quản lý Tổ, mô hình tiết kiệm của Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng số 13 được Đảng ủy, chính quyền địa phương đồng thuận và đánh giá cao. Hiệu quả từ mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” mang lại không nằm ở số tiền tiết kiệm được nhiều hay ít mà thông qua phong trào, các thành viên trong Tổ đã học tập và làm theo gương Bác thông qua việc làm thiết thực là thực hành tiết kiệm. Qua đó, tinh thần “Tương thân tương ái”, tình làng nghĩa xóm giữa các hộ thành viên cũng ngày càng thắt chặt hơn.

Phát huy kết quả đạt được, ngoài duy trì thực hiện mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”, đầu năm 2017, Ban Quản lý Tổ phát động thực hiện thêm mô hình “Tiết kiệm cây mùa xuân” nhằm gây dựng nguồn Quỹ chung ổn định để hỗ trợ vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Khi tham gia mô hình này, mỗi hộ thành viên sẽ tiết kiệm số tiền tối thiểu là 5.000 đồng/hộ/ngày và đóng trực tiếp cho Tổ trưởng của Tổ. Sau 3 tháng, Tổ trưởng sẽ công bố tổng số tiền tiết kiệm được và nộp vào tài khoản ngân hàng (tài khoản được tạo để giữ tiền chung cho những người tham gia mô hình). Cuối năm, số tiền gốc sẽ được rút ra chia lại cho các thành viên tham gia, riêng số tiền lãi được sử dụng để hỗ trợ mua quà tặng cho các trường hợp khó khăn, bệnh tật ở trong và ngoài Tổ. Bên cạnh đó, trong năm, nếu có hộ thành viên muốn vay vốn để phát triển kinh tế sẽ được xem xét hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ số tiền tiết kiệm. Các hộ dân ngoài Tổ cũng có thể đăng ký mô hình nếu muốn tham gia tiết kiệm.

“Với mô hình mới này, thay cho “heo đất” sẽ là “heo sổ”, mỗi hộ tham gia tiết kiệm được phát 1 cuốn sổ để ghi lại và theo dõi số tiền tiết kiệm của mình. Trước đây, phải tốn khoảng 30.000 đồng để mua 1 con heo đất nhưng giờ chỉ tốn 2.000 đồng/1 cuốn sổ. Như vậy là tiết kiệm được 28.000 đồng tiền mua heo đất cho mỗi hộ” - Tổ trưởng Nguyễn Ngọc Minh vui vẻ chia sẻ.

Có thể thấy, việc học tập và làm theo gương Bác mà cụ thể là thực hành tiết kiệm đang ngày càng đi vào thực chất thông qua mô hình tiết kiệm cụ thể này. Việc thực hiện mô hình đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, xây dựng và củng cố thêm tình đoàn kết bền chặt cho người dân trên địa bàn dân cư.

NGÂN NGUYỄN

Gửi bình luận của bạn