Tờ Sắc quý hiếm trên 200 năm ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 19/10/2016 10:35:04

ĐTO - Tờ Sắc được một gia đình bảo quản trong ống quyển bằng tre ngà, dù đã trải qua hơn 200 năm nhưng màng tơ bên trong vẫn còn nguyên. Đó là Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư. Đây là bản gốc, được các nhà nghiên cứu đánh giá là cổ vật đặc biệt, quý hiếm, tiêu biểu của Việt Nam thời đầu triều Nguyễn.


Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư

Tờ Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư được Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh phát hiện ở nhà ông Nguyễn Văn Mương (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) vào tháng 10/2015. Được biết, ông Nguyễn Văn Mương là hậu duệ đời thứ 7 của ông Nguyễn Văn Thư. Những năm gần đây, ông Mương thấy tình trạng mất cắp bảo vật xảy ra ở nhiều nơi, nên để bảo vệ an toàn cũng như làm rõ hơn giá trị tờ Sắc, ông Mương đã “cầu cứu”, trình báo tờ Sắc đến Hội KHLS tỉnh. Khi nghe nói về tờ Sắc, các thành viên Hội KHLS tỉnh hết sức ngạc nhiên, liền phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cùng các ngành liên quan lập thành đoàn khảo sát đến xem và hết sức bất ngờ trước giá trị về nhiều mặt của tờ Sắc. Quá trình khảo sát, nhận diện niên đại, giá trị lịch sử tờ Sắc, đoàn khảo sát đã xác định đây là tờ Sắc phong của vua Gia Long năm thứ 13 (1814) phong tặng cho Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư.

Sau đó vào tháng 8/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá trị Sắc phong của Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư. Thành viên Hội đồng gồm: ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Chủ tịch Hội đồng; ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH,TT&DL - Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên và thư ký Hội đồng là các giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý, nghiên cứu về cổ vật, sắc phong, Hán nôm, lưu trữ, lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ học,... công tác tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đồng Tháp và Hội KHLS tỉnh.


Đường viền hoa văn

Từ khi phát hiện tờ Sắc, Hội KHLS đã cung cấp nhiều thông tin chính xác về năm mất của ông Nguyễn Văn Thư, ngày cúng giỗ,... Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 5 - Quốc sử quán triều Nguyễn, phần nhân vật tỉnh Định Tường, trang 135 ghi: “Nguyễn Văn Thư, khảng khái có khí tiết. Lúc đầu chiêu mộ nghĩa dõng, Tôn Thất Hội đi đánh giặc, trải làm đến hậu quân phó tướng, Khâm sai chưởng cơ, theo đi đánh Thị Nại, bị đại bác của giặc bắn chết, được tặng Chưởng dinh liệt thờ ở miếu Trung hưng công thần”. Sắc phong ca ngợi tuyên dương công tích, truy tặng, ban phong tước hiệu cho Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư.

Tờ Sắc được làm bằng chất liệu vải lụa, ngã màu vàng nghệ, óng ánh dưới ánh sáng mặt trời, kích thước: dài 115cm, rộng 75cm. Hoa văn viền quanh: ngang 7cm với họa tiết long vân: thêu 12 con rồng bốn móng, rồng chân phương chứ không cách điệu, mỗi cạnh dài 4 con (hai con ở giữa chầu vào nhau, hai con còn lại đầu hướng ra ngoài) mỗi cạnh ngang 2 con (đầu đều hướng ra ngoài), hình rồng chân phương uyển chuyển không con nào giống con nào. Tờ Sắc còn gần như nguyên vẹn. Nội dung tờ Sắc có 213 chữ Hán (kể cả dòng lạc khoảng), trình bày theo kiểu viết sắc của thời nhà Lê: mở đầu bằng chữ “Sắc” và kết thúc bằng hai chữ “Cố sắc”. Sắc được đóng ấn Phong tặng chi bảo. Tờ sắc được bảo quản trong một ống quyển bằng tre ngà, dù đã trải qua hơn 200 năm nhưng màng tơ bên trong vẫn còn nguyên, láng bóng, mịn màng. Ống và nắp bị nứt nhỏ do rơi xuống đất vào năm 1968, do đạn pháo nổ cách nhà 5m. Hộp chứa ống quyển được làm sau này (đã hơn 100 năm).


Rồng không thấy móng

Sắc phong, với tư cách là một loại hình di sản văn hóa Hán Nôm, một nguồn tài liệu quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn và bảo vệ, bởi nó không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, mà còn là một vật thiêng trong đời sống tâm linh trong từng gia đình đến cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam. Riêng đối với Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư quả là một sắc phong đặc biệt có giá trị, chẳng những về mặt văn hóa mà cả mặt kỹ thuật. Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Chủ tịch Hội KHLS tỉnh, về mặt kỹ thuật, tờ Sắc này là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt đến mức độ tinh sắc sảo với những sợi tơ bóng, tơ màu được dệt sít sao chặt chẽ tạo nên bề mặt láng mịn, làm nổi lên hình tượng rồng mây một cách tự nhiên. Có thể nói cho đến hôm nay, tờ sắc phong bằng lụa cấp cho Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư vào năm Gia Long XIII (1814), với những đặc điểm nêu trên đang lưu giữ tại Phủ thờ Chi tộc họ Nguyễn ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh là phát hiện đầu tiên về loại Sắc này.

Với những giá trị về nhiều mặt và quý hiếm của Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư, Hội đồng thẩm định Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư đã có cuộc họp Hội đồng khảo sát, thẩm định tờ Sắc phong này để làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị của tờ Sắc. Theo đó, Hội đồng đánh giá Sắc phong là cổ vật đặc biệt, tiêu biểu, quý hiếm. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cho biết sẽ sớm chỉ đạo ngành chức năng thực hiện thủ tục xếp hạng Phủ thờ Chi tộc họ Nguyễn. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong bảo quản, giữ gìn Sắc phong Thư ngọc hầu Nguyễn Văn Thư cho Chi tộc họ Nguyễn xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã có công trong việc bảo quản, giữ gìn Sắc phong an toàn suốt hơn hai thế kỷ.

Theo gợi ý của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Chi tộc họ Nguyễn xã Mỹ Xương và ngành chức năng cần có các cách bảo quản Sắc phong như: làm vệ sinh, ủi, tẩm hóa chất, ép bao ni lông, cất nơi khô ráo, an toàn, bí mật. Cùng với công tác làm vệ sinh sẽ phục chế Sắc thành một số phiên bản, chuyển đến các địa chỉ cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Hiếu cho biết đến thời điểm này, tờ Sắc là một trong những Sắc bằng lụa quý hiếm, độc đáo nhất trong cả nước.

Hữu Nghĩa

Gửi bình luận của bạn