Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An

Hợp sức phát triển vùng Đồng Tháp Mười

Cập nhật ngày: 26/09/2016 06:00:50

Ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An cam kết từ nay sẽ chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, mặn để phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười.

Tại cuộc họp ở Tiền Giang ngày 24/9, lãnh đạo 3 tỉnh này đã ký cam kết khẳng định liên kết thật, làm ngay bây giờ chứ không phải chỉ liên kết trong phòng họp, sau đó nhà ai nấy về, việc ai nấy làm. Trọng tâm được ưu tiên liên kết là lúa gạo, thủy sản và trái cây với mục tiêu biến Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về sản xuất nông nghiệp.

Không chờ nước tới chân mới nhảy

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ. Thiếu nước và xâm nhập mặn khiến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân ngày càng khó khăn. Mặc dù Đồng Tháp chưa bao giờ bị xâm nhập mặn, nhưng thấy Long An và Tiền Giang ở ngay bên cạnh bị thiệt hại quá lớn nên rất lo. Chính vì vậy Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã chủ động viết thư đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 3 tỉnh Đồng Tháp Mười liên kết với nhau bằng một đề án riêng nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngày 1/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận và giao tỉnh Đồng Tháp chủ trì đề án này.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan

Vùng Đồng Tháp Mười là nơi tập trung diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa gạo hàng đầu của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, lũ nhỏ... đang là thách thức vô cùng lớn đối với việc đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế của trên dưới 6 triệu dân và kinh tế - xã hội của ba tỉnh này. Ngoài ra, tình trạng cục bộ địa phương, mạnh ai nấy làm và chậm thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước cũng là một nguy cơ rất đáng lo.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho rằng, nếu 3 tỉnh Đồng Tháp Mười không liên kết lại sẽ khiến sản xuất nông nghiệp và kinh tế - xã hội của vùng này càng thêm khó khăn. Bằng chứng là cả 3 tỉnh đều dùng chung nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Thời tiết cực đoan, thủy điện trên sông Mekong làm cho nước ngọt ngày càng khan hiếm, trong khi nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng. Nếu cả 3 tỉnh cùng làm dự án trữ ngọt, cùng có giải pháp tiết kiệm nước tưới và cùng chia sẻ nguồn nước với nhau thì thiệt hại sẽ giảm nhẹ. Ông Sánh nói thêm: “Gần đây, các tổ chức tài trợ quốc tế khi đến ĐBSCL làm việc, họ đều hỏi: “Các anh liên kết vùng như thế nào?”. Điều đó cho thấy liên kết là chuyện tất yếu phải làm, không chỉ để thu hút tài trợ mà còn vì sự phát triển bền vững cho tương lai”.


Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh muốn 3 tỉnh bắt tay thực hiện ngay Đề án liên kết vùng Đồng Tháp Mười

Sau khi nghe tỉnh Đồng Tháp trình bày đề án liên kết khung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An Đỗ Hữu Lâm nói ông rất vui điều này và tuyên bố Long An muốn làm ngay. Trước đây từ Trung ương đến địa phương nói rất nhiều về liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết vùng ĐBSCL nhưng vì quy mô lớn quá nên cuối cùng mạnh ai nấy làm. Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An nhắc lại câu chuyện cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc hồi đầu năm 2016 là giữa Long An và Tiền Giang có chuyện hiểu nhầm trong việc phối hợp chống hạn, mặn. Cụ thể là Tiền Giang đề nghị đắp đập ngăn mặn, nhưng tỉnh Long An làm hơi chậm. “Khi chúng ta liên kết rồi thì chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện như vậy nữa. Cả 3 tỉnh đều có thế mạnh du lịch sinh thái, nếu liên kết tour đi từ tỉnh này xong rồi qua tỉnh kia thì rất hay. Riêng Long An và Tiền Giang đều có thế mạnh xuất khẩu thanh long, nếu liên kết xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ thì sẽ tốt hơn là để như bây giờ. Lĩnh vực du lịch có thể liên kết ngay được. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh ngồi lại với nhau kết nối tour du lịch sinh thái từ Long An qua Đồng Tháp, đến Tiền Giang rồi về TP.HCM là quá hay” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An nói.


Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An Đỗ Hữu Lâm rất ủng hộ liên kết vùng Đồng Tháp Mười và muốn bắt tay làm ngay

Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Văn Nguyên nói, ông rất vui khi thấy 3 tỉnh ngồi lại với nhau bàn chuyện liên kết rất cụ thể, quyết tâm rất lớn. Đây là một sự đột phá về tầm nhìn lãnh đạo 3 tỉnh vùng Đồng Tháp Mười. 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang có những điều kiện tương đồng về tự nhiên, kinh tế-xã hội, nếu mạnh ai nấy làm sẽ không hiệu quả và đôi khi xung đột lợi ích. Liên kết với nhau bằng một đề án cụ thể, có “nhạc trưởng” như thế này sẽ giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng hiệu quả.

Đồng Tháp làm “tổng chỉ huy”

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề nghị nhân cuộc họp ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ ngày 27/9 tới, Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh sẽ ký biên bản ghi nhớ phối hợp liên kết như đã thống nhất tại cuộc họp này. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 tỉnh Long An và Tiền Giang yêu cầu phải ký ngay lập tức. Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh nói: “Tôi nghĩ khi chúng ta có ý tưởng liên kết như thế này thì có thể nhiều nơi khác cũng muốn làm như thế. Cho nên hôm nay chúng ta đã thống nhất rồi thì bắt tay vào làm ngay đi”.

Tỉnh Long An và Tiền Giang thống nhất giao tỉnh Đồng Tháp làm “tổng chỉ huy” lập đề án chi tiết liên kết vùng Đồng Tháp Mười. Sau khi vận hành ổn định thì 2 tỉnh còn lại luân phiên đảm nhận trách nhiệm này.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, là bản thân đã “đặt hàng” các nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu và am hiểu Đồng Tháp Mười tham gia tư vấn xây dựng đề án chi tiết từng ngành, từng lĩnh vực để 3 tỉnh cùng thực hiện, tuyệt đối không nêu khẩu hiệu, không nói chung chung. Đồng Tháp sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành đề án chi tiết trong thời gian sớm nhất. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư, xin ngân sách Trung ương hay huy động các nguồn tài trợ quốc tế cũng đều nhằm phục vụ lợi ích của người dân vùng Đồng Tháp Mười, không riêng tỉnh nào. Mùa khô, hạn, mặn đang tới rất gần nên trước mắt sẽ đánh giá hiện trạng, lập quy hoạch đầu tư các công trình trữ nước và phương án vận hành hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, chia sẻ nguồn nước ngọt hiệu quả. “Những việc đã thống nhất thì phải làm với tâm thế 3 tỉnh là 1 nhà. Cần phải nói cho cấp huyện, cấp xã, người dân và doanh nghiệp 3 tỉnh biết mối liên kết này để họ chung tay thực hiện” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị.


Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng tin rằng, khi 3 tỉnh hợp sức chống hạn, mặn thì chắc chắn thiệt hại sẽ giảm, đời sống của người dân sẽ ổn định

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, nhắc lại câu chuyện chống hạn, mặn hồi đầu năm 2016 vừa vất vả, vừa kém hiệu quả là do bị động và mạnh ai nấy làm. Ông nói bây giờ những chuyện lớn sẽ được 3 tỉnh ngồi lại bàn rồi cùng nhau làm thì nỗi lo thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Lãnh đạo 3 tỉnh thống nhất tên gọi “Liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười”. Nội dung liên kết tập trung vào 3 lĩnh vực và 4 hoạt động theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Cụ thể: liên kết phát huy chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng; quản lý tài nguyên nước; các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hoài Phong

Gửi bình luận của bạn