KỶ NIỆM 57 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TIỂU ĐOÀN 502 (23/9/1959 - 23/9/2016) VÀ CHIẾN THẮNG GIỒNG THỊ ĐAM - GÒ QUẢN CUNG (26/9/1959 - 26/9/2016)

Âm vang từ trận đánh

Cập nhật ngày: 21/09/2016 16:08:31

 “...Gò Quản Cung năm xưa sách sử còn ghi/Giồng Thị Đam máu giặc đỏ loang trên đồng/Tiểu đoàn thép 502 ngời sáng tên vàng/Dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp mấy phen giặc Mỹ khiếp kinh/502 oai hùng, 502 kiên cường, người con trung hiếu của quê hương/...”. Lời bài hát hành khúc Tiểu đoàn 502 của tác giả Nguyễn Hoàng cứ vang vọng mãi. Thời gian đã đi qua, song ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong lòng mỗi người con Đồng Tháp.


Lễ mittinh kỷ niệm ngày chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung

Chiến thắng giòn giã

Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung nằm ở vùng sâu, giáp ranh huyện Hồng Ngự và Thanh Bình, nay thuộc xã An Phước, huyện Tân Hồng và xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông. Từ năm 1956 - 1959, vùng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung là một trong những vị trí tạm ém quân của các phân đội thuộc Tiểu đoàn Đinh Bộ Lĩnh, Tiểu đoàn 2 Giải phóng quân Bình Xuyên - Tiền thân của Tiểu đoàn 502 ngày nay.

Trong thời điểm bộ đội ta tập kết về Giồng Thị Đam chuẩn bị cho đợt hoạt động thì bị bọn thám báo địch phát hiện. Chúng huy động quân chia làm 4 cánh tiến vào khu vực ta tập kết gồm: Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực và một đại đội bảo an của Tiểu khu Kiến Phong. Qua quan sát, ta biết được quân địch rất đông nhưng không quen bơi, chống xuồng trên đồng nước. Và đúng như nhận định, cánh quân địch từ Giồng Sa Rài đi theo đường cộ (vệt đường xe trâu đi trong mùa khô, đến mùa nước xuồng ghe theo đó dễ đi lại) tiến dần đến Giồng Thị Đam. Khoảng 9 giờ, ngày 26/9/1959, khi địch lọt vào trận địa phục kích (khoảng cách gần nhất giữa ta và địch trên dưới 10m), tổ trung liên bên cạnh Đại đội trưởng được lệnh bắn thẳng vào xuồng chỉ huy của địch (vì có cây ăng-ten điện đài). Cả đơn vị đồng loạt nổ súng. Bị đòn bất ngờ, cả cánh quân địch nhốn nháo, đội hình rối loạn, binh sĩ mất tinh thần, quăng súng, nhảy xuống nước. Xuồng địch bị lật chìm rất nhiều. Bộ đội ta được lệnh xung phong bắt tù binh, thu vũ khí. Sau 15 phút, toàn bộ Đại đội 12 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 23 chủ lực của ngụy) bị ta diệt và bắt gọn. Trong số súng, đạn và đồ dùng quân sự vừa thu được của địch có 5 khẩu trung liên Mỹ, được sử dụng thay số súng cũ của bộ đội ta. Tù binh địch gồm 75 tên được áp giải đưa về phía sau Gò Quản Cung, do một chiến sĩ canh giữ.

Tại phía Nam Gò Quản Cung, quân ta bố trí xong trận địa thì cánh quân B của địch cũng vừa tới. Súng địch bắn rộ lên ở Gò Bộ Tức, cách trận địa hơn 1km. Chúng bắn đuổi theo 2 chiến sĩ trinh sát của ta. 2 đồng chí này nhận được lệnh tiếp tục chống xuồng đi thẳng về Giồng Thị Đam để giữ bí mật trận địa. Quân địch hối hả đuổi theo và lọt vào đội hình phục kích của Đại đội 271 (lúc này khoảng 14 giờ), cả đơn vị đồng loạt nổ súng và xung phong. Hỏa lực của ta áp đảo mạnh do có thêm súng thu được ở trận Giồng Thị Đam, một số quân địch chết ngay loạt đạn đầu, số còn lại lặn hụp dưới nước và bị bắt, vài tên sống sót bơi xuồng chạy thục mạng về hướng Tân Dinh. Kết quả, tại Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, với 42 tay súng, ta đã đánh liền hai trận, lập chiến công lớn: đánh bại cuộc hành quân cấp Trung đoàn do Phân khu Bắc tổ chức. Số tù binh được ta giáo dục và phóng thích tại chỗ, cho họ xuồng quay về Hồng Ngự. Số thẻ quân nhân của binh sĩ chết trận, bị thương và bị bắt, Tỉnh ủy chỉ đạo gửi về gia đình họ kèm thư kêu gọi, hướng dẫn đấu tranh. 3 ngày sau, có 79 thân nhân binh sĩ từ nhiều nơi lần lượt về thị xã Cao Lãnh đấu tranh trực diện với Tỉnh trưởng và các cơ quan quân sự Kiến Phong, tố cáo chính quyền và quân đội đã đẩy con em của họ đến chỗ chết, đòi bồi thường sinh mạng, có ảnh hưởng lớn đến các giới đồng bào thị xã, nhất là binh sĩ và gia đình họ.

Nối tiếp truyền thống

Đại tá Nguyễn Hồng Hải khẳng định: “Thắng lợi của trận đánh Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà còn mang ý nghĩa chiến lược. Chiến thắng này được xem như tiếng sấm đầu mùa báo hiệu trong những trận bão táp cách mạng tấn công lực lượng địch; là thắng lợi quân sự sớm, lớn nhất, có ý nghĩa mở đầu ở tỉnh Kiến Phong và Khu 8 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954”.

Sinh ra trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 502, Trung đoàn bộ binh 320 hôm nay luôn kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước. Điều đó được thể hiện trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và trong các hoạt động dã ngoại lao động giúp dân... Binh nhì Lê Khánh Châu thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320 cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được học tập, huấn luyện tại Tiểu đoàn 502 - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Phát huy truyền thống của đơn vị, tất cả anh em chúng tôi luôn giữ vững tư tưởng, học tập, trau dồi kiến thức về chính trị, quân sự để vận dụng trong quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.

Thiếu tá Nguyễn Việt Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320 cho biết thêm: “Chiến sĩ khi mới vào đơn vị đều được giới thiệu về truyền thống của đơn vị; xem tư liệu lịch sử và những trận đánh, ví dụ như trận đánh Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ngày 26/9/1959, rồi trận đánh trên kênh Nguyễn Văn Tiếp có anh hùng Nguyễn Minh Trí bắn 9 quả B40 đã hy sinh anh dũng... Qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước và tự hào về truyền thống hào hùng của đơn vị mình. Từ đó tích cực phấn đấu, học tập rèn luyện, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao ”.

57 năm sau chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ở tỉnh Đồng Tháp và 41 năm sau ngày miền Nam được giải phóng - đất nước thống nhất, Tiểu đoàn 502, Trung đoàn 320 ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Và Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ngày nào còn hoang vu, phèn nặng, giờ đây đang từng ngày phát triển, đời sống người dân được nâng lên và trở thành khu kinh tế - quốc phòng của tỉnh. Qua đó góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới, trở thành khu vực trọng điểm và hình thành thế trận phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 502 là niềm kiêu hãnh của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đồng Tháp khi giành thắng lợi vẻ vang ở hầu khắp các mặt trận. Trong đó đáng chú ý là trận thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung lịch sử. Đây là chiến công xuất sắc đầu tiên sau khi Tiểu đoàn 502 được thành lập 3 ngày. Với ý nghĩa to lớn của chiến thắng, Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 2004”.

Huỳnh Sung

Gửi bình luận của bạn