Liên kết tiêu thụ đối với các ngành hàng tái cơ cấu đạt kết quả khả quan

Cập nhật ngày: 28/07/2016 09:09:24

ĐTO - Tính đến tháng 6/2016, tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết toàn tỉnh là 77.011ha, chiếm 21% diện tích xuống giống, với tổng số hơn 47.000 hộ nông dân tham gia. Diện tích lúa dự kiến liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp là 24.514ha. Kết quả liên kết tiêu thụ được 15.163ha, sản lượng hơn 105.000 tấn, chiếm 38% diện tích thực hiện cánh đồng liên kết và chiếm 61,8% so với dự kiến liên kết tiêu thụ.


Thu hoạch cá tra

Ngành hàng cá tra, tính đến tháng 5/2016 đã cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm được khoảng 98% diện tích nuôi của tỉnh. Về chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên sản phẩm thủy sản, có 90 cơ sở (611ha) nuôi cá tra thương phẩm đăng ký thực hiện với kinh phí hỗ trợ hơn 10,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi nhỏ lẻ đã liên kết lại với nhau thành lập Hợp tác xã thủy sản và dịch vụ Châu Thành với diện tích 10ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 400ha diện tích ao nuôi của hộ cá thể tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh theo hình thức nuôi gia công. Các hình thức liên kết này phù hợp đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, người nuôi không vay nợ ngân hàng, không lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm và thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ về kỹ thuật, quyền lợi của hộ nuôi gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp nên hộ nuôi có lợi nhuận ổn định.

Về liên kết tiêu thụ xoài, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh đã cung cấp cho thị trường sản lượng trên 14.700 tấn xoài. Các công ty thu mua xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc.

Ngành hàng hoa kiểng, đã tổ chức 1 lớp về quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và thu gom rác bảo vệ thực vật hoa kiểng. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã hoàn thành 90% cơ sở hạ tầng, góp phần phục vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Song song đó, dự án hợp tác với Hà Lan hiện đang trong quá trình đàm phán để thực hiện, dự kiến khi hoàn thành cơ sở hạ tầng sẽ tiến hành thực hiện hợp tác xây dựng nhà màng của Hà Lan.

Mô hình liên kết tiêu thụ vịt giữa Tổ hợp tác chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười) với Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May và Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan. Từ đầu năm đến nay, Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp đã tiêu thụ được 900.000 trứng vịt với giá dao động từ 1.800 - 1.900 đồng/trứng; mô hình chăn nuôi vịt rọ tại chỗ vẫn có lãi cho người chăn nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, định hướng môi trường chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, chất lượng và từng bước thay đổi tập quán nuôi vịt chạy đồng của nông dân.

MN

Gửi bình luận của bạn