Sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại lễ giỗ lần thứ 85 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật ngày: 26/11/2014 13:21:11

Lễ giỗ lần thứ 85 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm nay được tổ chức cả 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Lễ giỗ sẽ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể và có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (phường 4, TP.Cao Lãnh).


Đại biểu xem triển lãm sách tại lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
(ảnh tư liệu)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phần hội ở lễ giỗ năm nay sẽ diễn ra từ ngày 16 - 18/12 (nhằm ngày 25 - 27/10 năm Giáp Ngọ). Ở phần hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được Ban tổ chức đầu tư quy mô với nhiều chương trình, hội thi hấp dẫn như: các chương trình ca múa nhạc và trích đoạn cải lương chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp; tổ chức liên hoan không gian đờn ca tài tử, liên hoan lân, sư rồng; triển lãm 1 ngàn tài liệu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp, về biển đảo, an toàn giao thông và sách thiếu nhi; triển lãm ảnh “Sưu tập vàng của văn hóa Óc eo ở Gò Tháp”, sưu tập hiện vật “Tiền qua các thời kỳ”; triển lãm sưu tập ảnh, tài liệu về các hoạt động đời thường, sinh nhật và Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiếu phim về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về Bác Hồ; trưng bày sưu tập đá biểu tượng Trường Sa, Hoàng Sa; triển lãm một số gian hàng sản phẩm các nghề truyền thống địa phương như hoa thủy tinh, sản phẩm sen,...; tạo không gian làng Nam bộ trù phú tại khu vực tái hiện làng Hòa An xưa với những ngôi nhà truyền thống và hệ thống đèn bão trong làng, mô phỏng dưới kênh rạch có xuồng ghe chở hoa và trái cây.

Tại lễ hội còn diễn ra các hội thi trạng nguyên, thi lồng đèn, thi áo bà ba, thi các bộ môn sinh vật cảnh (bon sai, tiểu cảnh, chọi chim nghệ thuật, chọi gà nghệ thuật,...); tổ chức trình diễn và mời khách tham quan trải nghiệm các nghề truyền thống như: dệt chiếu, đan lục bình, đan giỏ, nón, kết hạt cườm, hoa khô; tổ chức sinh hoạt đốt lửa trại và các trò chơi dân gian; tổ chức hướng dẫn, trình diễn trà sen, tọa đàm chuyên đề về trà và văn hóa ẩm thực, hướng dẫn cắt tỉa rau, củ, quả trang trí và cắm hoa, thi nấu ăn ở làng Hòa An; khám, trị bệnh miễn phí cho nhân dân. Đối với hoạt động thể dục - thể thao, có hội thi biểu diễn các bài thể dục dưỡng sinh của các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh trong tỉnh, thi đấu cờ vua, cờ tướng.

Trong phần lễ giỗ, đúng 7 giờ ngày 18/12, đoàn đại biểu đến viếng và thắp hương nơi phần mộ cụ Phó bảng. Dịp này, còn có lễ đón Bằng công nhận cây khế và cây sộp là Cây di sản Việt Nam và lễ đón nhận Bằng công nhận 2 tác phẩm điêu khắc gỗ đạt kỷ lục Việt Nam, công bố kết quả 4 năm vận động Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.

Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thông qua các chương trình hoạt động của lễ hội nhằm tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu để quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm du lịch tới du khách.

NHƯ ANH

 

Gửi bình luận của bạn