Về nơi người dân sống với “ba không”

Cập nhật ngày: 17/11/2014 13:40:54

Ở cách UBND xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười) chỉ khoảng hơn 1 cây số, xóm dân cư ở kinh Ông Đốc với khoảng 50 hộ gia đình nhiều năm dài phải sống trong tình trạng “ba không”: không điện, không nước sạch và không đường giao thông.


Có con lộ rải đá thuận lợi cho việc đi lại là mong mỏi của các hộ dân
kinh Ông Đốc

Mong mỏi một con đường

Đến xã Trường Xuân, qua cầu Mương lộ của ấp 6B là đến kinh Ông Đốc. Dọc theo bờ kinh, qua những đoạn lên xuống gập ghềnh khó đi, chúng tôi có mặt ở xóm dân cư kinh Ông Đốc. Được biết, một số hộ nghèo sống ở đây nhưng không có đất canh tác đã được địa phương đưa vào cụm dân cư ấp 6B để có điều kiện ổn định cuộc sống. Những hộ còn lại hiện nay, đa phần là những hộ đang canh tác lúa ở 2 bên bờ kinh Ông Đốc, sống gắn bó tại đây từ nhiều năm qua.

Những căn nhà của các hộ dân cất rải rác dọc theo 2 bên bờ kinh Ông Đốc, bên cạnh những căn nhà cây, tôn, lá, hiện nay đã có một số nhà tường được cất kiên cố. Ghé vào nhà chú Nguyễn Văn Sa (còn gọi là chú Tám), một gia đình có ba thế hệ sinh sống tại kinh Ông Đốc. Kể về những năm tháng sinh sống tại đây, chú Tám nhớ lại lúc từ Vĩnh Long đến đây lập nghiệp vào những năm đầu thập niên 90, cuộc sống với vô vàn khổ cực của một thời khó khăn, vậy mà tính tới nay gia đình chú đã bám trụ và bén rễ với đất Đồng Tháp, trở thành một trong những hộ ở cố cựu tại kinh Ông Đốc này. Sau nhiều năm đổ mồ hôi, công sức lao động, đến nay gia đình chú đã có được cuộc sống khá ổn dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác đầm sen.

Niềm mong mỏi nhất hiện nay của bà con nơi đây là có một con đường rải đá để việc đi lại dễ dàng hơn, ở đây mùa mưa đường trơn trợt, các cháu học sinh đi học rất gian nan, các cháu nhỏ cha mẹ phải cõng, mà mưa xuống là coi như phải nghỉ học, chú Tám chia sẻ. Cũng vì không có đường đi thuận lợi nên giá bán nông sản của bà con ở đây thấp hơn so với chỗ khác, còn nếu đưa được ra giao cho bạn hàng ở đầu kinh, chỗ cầu Mương lộ thì giá sẽ cao hơn, tuy nhiên điều này là không dễ dàng gì.

Hiếm hoi nguồn nước sạch

Từ nhiều năm qua, nguồn nước mà những hộ dân cư ở kinh Ông Đốc sử dụng trong sinh hoạt là lấy nước từ dưới kinh. Đến khoảng năm 2008, biết được hoàn cảnh khó khăn về nguồn nước sạch của người dân nơi đây, một số người của Hội từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh đã đến tài trợ cho bà con 10 giếng nước, phân chia 5 giếng ở bờ Nam và 5 giếng ở bờ Bắc. Tuy nhiên, sau một thời gian nước của một số giếng không sử dụng được vì bị phèn nhiều nên các hộ dân lại phải tiếp tục lấy nước dưới kinh lên sử dụng.

Anh Bùi Minh Sương nhà ở bờ Nam kinh Ông Đốc than thở: “Nguồn nước rất quan trọng cho sức khỏe con người, mà nước dưới kinh đã ô nhiễm do thuốc trừ sâu, phân bón từ ruộng xả xuống, khi có dịch cúm xác gà, vịt chết trôi dưới kinh nhìn thấy sợ mà vẫn phải múc nước lên xài vì không còn nguồn nước nào khác. Còn chú Tám thì cho biết, nguồn nước sinh hoạt của gia đình chú là lấy nước từ đầm sen của gia đình lên sử dụng, nhờ có đắp bờ bao riêng cho đầm sen nên cũng bớt phần nào nỗi lo nước ô nhiễm như nước dưới kinh.

Do lưới điện chưa có đến kinh Ông Đốc, để có điện sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, một số hộ có điều kiện về kinh tế, ở gần đầu kinh đã hùn tiền kéo điện chia hơi đồng hồ tổng, nên hiện nay ở đây có khoảng mười mấy hộ có điện để xài. Tuy nhiên vì là xài “điện bay” (theo cách gọi của người dân nơi đây, vì điện bị hao hụt theo đường dây từ đồng hồ tổng vào đến nhà các hộ) nên khoản chi trả cho tiền điện khá cao cùng với đó, nỗi lo đường dây không đảm bảo an toàn vào mùa mưa gió. Còn như nhà chú Cù Châu Bé ở bờ Nam, vì không có kéo điện chia hơi nên gia đình chú đã mua pin mặt trời để sử dụng được khoảng 2 năm nay, tuy nhiên vì lượng pin có hạn nên việc sử dụng điện trong sinh hoạt cũng hạn chế. So với số hộ dân cư ở kinh Ông Đốc, thì số hộ gia đình có điện sử dụng như trên cũng chỉ là số ít.


Các hộ sử dụng “điện bay” lo đường dây không an toàn vào mùa mưa gió

Để mong ước thành hiện thực

Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vào đầu tháng 7/2014, qua ý kiến của cử tri ở kinh Ông Đốc mong muốn xóa tình trạng “ba không” của người dân nơi đây, theo giải trình của lãnh đạo UBND xã Trường Xuân thì xã đã ghi nhận tình trạng trên, kiến nghị về huyện để xin ghi vốn đưa vào danh mục đầu tư trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Trí Quang - người đã nhiều năm làm Trưởng ấp 6B chia sẻ, do dân cư ở kinh Ông Đốc không đông như các nơi khác, lại ở rải rác dọc theo chiều dài kinh, nên việc đầu tư sẽ khá tốn kém, sợ rằng sẽ khó và chậm được ghi vốn đầu tư. Trước mắt, để làm được con lộ rải đá như bà con mong muốn, thì cần phải hạ bờ kinh thấp xuống để ban đất ra cho đủ mặt bằng nền rồi rải đá làm lộ. Thế nhưng, hiện chỉ có các hộ ở bờ Nam là vô đê bao nên không thể hạ bờ kinh được, vì như vậy sẽ không đảm bảo cho diện tích canh tác lúa vụ ba của bờ Nam. Hiện nay, phía bờ Bắc đã có đê bao vòng ngoài và cống đập cũng đã được làm ổn định, nếu các hộ ở bờ Bắc cũng thống nhất vô đê bao như bên bờ Nam thì mới có thể hạ bờ kinh để làm lộ được. Nếu như Ban nhân dân và Chi bộ ấp vận động bà con thống nhất cho sử dụng tiền bơm nước đầu công do Nhà nước hỗ trợ, cũng như đóng góp ngày công lao động thì con lộ sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa.

Có được đường giao thông thuận lợi sẽ mở ra cơ hội phát triển hơn cho những người dân ở kinh Ông Đốc. Từ việc bán các nông sản, các vật chăn nuôi được giá hơn, kinh tế khá lên các hộ sẽ có điều kiện cải thiện môi trường sống của chính mình, như có thể hùn tiền khoan giếng tốt hơn để có nguồn nước sạch sử dụng, hay mua pin năng lượng mặt trời để có điện sử dụng trong sinh hoạt trong khi chờ có lưới điện.

Thiết nghĩ để mong ước của những hộ dân ở kinh Ông Đốc thành hiện thực, cần có sự quan tâm của địa phương trong vai trò kết nối, vận động người dân đồng thuận cùng đồng lòng chung sức để xóa tình trạng “ba không” bằng chính những con người gắn bó cuộc sống nơi đây, chứ không chỉ chờ đợi vào sự giúp đỡ hay đầu tư của Nhà nước.

Nhật Anh

Gửi bình luận của bạn