Sau thí điểm chuyển giao sẽ kiện toàn các Trung tâm giáo dục nghề

Cập nhật ngày: 09/11/2018 09:27:30

ĐTO - Sau giám sát về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2011 đến tháng 4/2018, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã có các kiến nghị về công tác này.

Trong đó có kiến nghị về kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ quản lý, giáo viên cho các trường, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong tỉnh; đầu tư trang thiết bị dạy nghề phù hợp để nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng, từng bước nâng chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín, cung ứng nguồn nhân lực trong nước và cả nước ngoài.

UBND tỉnh cho biết, ngày 26/10/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp và nhiệm vụ đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp của Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Đồng Tháp vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.

Riêng đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (do UBND cấp huyện quản lý), UBND tỉnh đang thực hiện thí điểm chuyển giao nhiệm vụ giáo dục thường xuyên về ngành giáo dục và đào tạo đối với các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình và Tam Nông. Trên cơ sở đó, vào giữa năm 2019 sẽ tổng kết, đánh giá để kiện toàn các Trung tâm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng có hiệu quả trang thiết bị dạy nghề hiện có để tổ chức đào tạo nghề; đồng thời căn cứ theo nhu cầu của người học, cơ sở vật chất hiện có và phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân ngoài công lập để đầu tư trang thiết bị, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Về kiến nghị xem xét quy trình, thủ tục cấp chứng chỉ nghề, hỗ trợ chính sách đối với những cá nhân, cơ sở đứng ra tổ chức đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn, theo UBND tỉnh, việc cấp chứng chỉ nghề và hỗ trợ chính sách đối với những cá nhân, cơ sở đứng ra tổ chức đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn được thực hiện khi cơ sở đào tạo có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Đối với kiến nghị nghiên cứu, nhân rộng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả, phù hợp lao động địa phương; đổi mới phương pháp dạy nghề theo hướng tăng thời gian thực hành; kết hợp dạy, truyền nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để người lao động biết vận dụng kiến thức, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, UBND tỉnh cho biết, trong những năm qua, các mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả đã và đang được các địa phương nhân rộng tốt, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân nông thôn, cụ thể như mô hình đan lát xuất khẩu tại xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, đã nhân rộng ra các xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), xã Tân Thành B (huyện Tân Hồng), xã Tân Hội (TX.Hồng Ngự); mô hình tạo sản phẩm thủ công từ lục bình tại thị trấn Mỹ Thọ đã nhân rộng ra xã Mỹ Thọ, xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh)...

Việc đổi mới dạy nghề theo hướng tăng thời gian thực hành đã được các cơ sở dạy nghề áp dụng; đồng thời khi tổ chức dạy nghề cho người lao động, luôn gắn kết với các cơ sở sản xuất để trực tiếp kết hợp dạy và truyền nghề, như các nghề chế biến, nuôi trồng thủy sản, các nghề cơ khí, động lực...

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn