Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng ngọt ngào

Cập nhật ngày: 18/11/2019 14:56:47

Sữa mẹ là món quà vô giá tạo hóa ban cho mẹ để thực hiện tốt nhất thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ vẫn bối rối và có nhiều câu hỏi khi chuẩn bị hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ. Hãy cùng nghe bác sĩ Trần Thị Minh Ái - Khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp giải đáp một số câu hỏi thường gặp về sữa mẹ.

P.V: Thưa bác sĩ, việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại những lợi ích như thế nào?

Bác sĩ Trần Thị Minh Ái (T.T.M.A.): Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Đối với trẻ, sữa mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện, phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn (nhất là trẻ được bú sữa non), dễ tiêu hóa, sạch sẽ, luôn sẵn sàng. Đối với mẹ, cho trẻ bú sớm sẽ kích thích co hồi tử cung tốt, tránh mất máu hậu sản, phòng viêm tắc tuyến vú, chậm có kinh nguyệt trở lại, phòng ngừa ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bú mẹ có lợi ích kinh tế cao. Và hơn tất cả, nuôi con bằng sữa mẹ giúp tạo sự gắn kết tình cảm yêu thương giữa mẹ và con, cũng là yếu tố giúp hình thành nhân cách tốt của trẻ.

P.V: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” - là thông điệp thường được nhắc nhở trên các kênh truyền thông. Các bác sĩ cũng có đề cập đến việc cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để tận hưởng nguồn sữa non. Vậy sữa non được hiểu như thế nào và lợi ích của sữa non mang lại đối với sự phát triển của trẻ?

Bác sĩ T.T.M.A.: Sữa non là nguồn sữa mẹ được tạo ra từ rất sớm ngay trong thai kỳ và tiếp tục đến 3- 6 ngày sau sinh. Sữa non là thức ăn đầu tiên cho trẻ sơ sinh bởi vì thành phần phù hợp với nhu cầu của trẻ. Sữa non rất đặc và giàu năng lượng (1.500Kcal/L sữa non ngày đầu). Sữa non giàu chất diệt khuẩn như: Lactoferine, IgA, Lysozyme, bạch cầu, yếu tố Bifidus,... các vitamin, nhất là vitamine A giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn sớm sau sinh. Các chất diệt khuẩn này sẽ giảm nhanh từ giờ thứ 2 sau sinh.

P.V: Làm gì để giúp trẻ tận hưởng được nguồn sữa non?

Bác sĩ T.T.M.A.: Các chất diệt khuẩn có trong sữa non sẽ giảm đi rất nhanh từ giờ thứ hai sau sinh. Do đó, các bà mẹ nên tranh thủ cho trẻ bú ngay giờ đầu để giúp trẻ tận hưởng sữa non. Động tác bú xuất hiện rất sớm ngay sau sinh, sau tiếng khóc và thở, chỉ cần được mẹ ôm vào lòng hoặc da kề da thì trẻ sẽ ngậm bắt vú mẹ rất nhanh. Nếu vì lý do gì trẻ không bú được (trẻ thiếu tháng, thiếu cân, ngạt, bị bệnh,...) nên vắt sữa non cho trẻ uống.

P.V: Cho trẻ bú mẹ như thế nào là đúng cách?

Bác sĩ T.T.M.A.: Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ, không cần ăn bất kỳ thức ăn hay đồ uống nào khác, tiếp tục cho trẻ bú đến khi trẻ được 24 tháng. Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết ra nhiều sữa. Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng. Đảm bảo trẻ bú đúng tư thế và ngậm bắt vú đúng. Trẻ trên 6 tháng tuổi, bên cạnh việc duy trì sữa mẹ cần ăn dặm.

P.V: Để có nguồn sữa chất lượng cho con, người mẹ cần nên lưu ý thực hiện đúng những điều gì?

Bác sĩ T.T.M.A.: Bà mẹ thường quan tâm đến việc làm sao có được nguồn sữa mẹ tốt nhất cho con yêu. Tạo hóa ban cho mẹ những nguồn sữa tuyệt vời, để có nguồn sữa tốt nhất thì mẹ phải quan tâm đến sức khỏe của chính bản thân: ăn đủ no cả về chất và lượng nhiều hơn bình thường, uống đủ nước, ngủ tốt, đủ giấc, lao động vừa sức và giữ tâm lý thoải mái sẽ giúp tạo nguồn sữa chất lượng tốt và duy trì được nguồn sữa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ.

P.V: Người mẹ cần tránh, cần hạn chế những gì để có nguồn sữa chất lượng nhất dành cho con?

Bác sĩ T.T.M.A.: Mẹ nên tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, gia vị như ớt, tỏi và một số loại dược phẩm có thể qua sữa sẽ làm trẻ không chịu bú và làm giảm tiết sữa. Áp lực trong cuộc sống cũng làm hạn chế tiết prolactine làm giảm lượng sữa. Chế độ dinh dưỡng không tốt của mẹ trong thai kỳ và thời gian cho con bú ảnh hưởng lên sự phát triển tuyến vú và sự tạo sữa. Việc cho bú chậm sau sinh cũng làm giảm đáng kể hoạt động tuyến vú. Khi cần sử dụng thuốc cần có hướng dẫn của cán bộ y tế.

P.V: Nhiều bà mẹ cho rằng mình không đủ sữa nếu thấy bé không tăng cân hoặc quấy khóc, vậy đâu là lý do khiến cho các bà mẹ lo lắng?

Bác sĩ T.T.M.A.: Phần lớn các bà mẹ rất lo lắng và cho rằng mình không đủ sữa nếu thấy bé chậm tăng cân. Ngoại trừ các bệnh lý làm bé chậm tăng cân như kém hấp thu, trào ngược, trẻ ngậm bắt vú kém hoặc bú không hiệu quả do sinh quá non, hở hàm ếch, bé mệt do bị bệnh, ... còn có rất nhiều nguyên nhân làm giảm lượng sữa như: nếu ngay sau sinh sữa đã ít, do cho trẻ bú chậm sau sinh 2-3 ngày làm giảm hoạt động của tuyến vú, mẹ lo lắng làm giảm tiết prolactine, dinh dưỡng cho mẹ không tốt, mẹ bị tắc tia sữa,...; nếu trước đây sữa nhiều đủ cho bé nhưng nay không đủ: nhu cầu của trẻ tăng theo tuổi, trẻ tới tuổi ăn dặm nhưng chỉ cho bú mẹ, mẹ phải làm việc nên khoảng cách giữa các cữ bú xa ức chế tuyến vú,...; những ngày trẻ bệnh không bú hết sữa nhưng mẹ không hút sữa dư làm tắc, viêm tuyến vú và giảm lượng sữa...

D.H (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn